00:00 Số lượt truy cập: 2668711

Giống lúa gì cho vụ đông xuân 2006-2007 

Được đăng : 03/11/2016
(NNVN-20/10/2006)- Sản xuất lúa trong năm 2006 của tỉnh An Giang nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung đã phải đối mặt với dịch bệnh rầy nâu, rầy nâu truyền virus gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá mà hai bệnh này hiện không có thuốc trị.^ Hiện nay và trong 1-2 năm tới có lẽ chưa có giống kháng rầy, nên phải chấp nhận cơ cấu lúa giống như hiện tại. Vì vậy bà con phải lưu ý trong việc chọn giống gì chống chịu được rầy nâu cùng với các biện pháp kỹ thuật khác để giảm thiểu thiệt hại. Qua sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và sự khuyến cáo của Viện Lúa ĐBSCL kết hợp với sự nghiên cứu, quan sát trên đồng ruộng của Trung tâm Nghiên cứu & Sản xuất Giống An Giang có đề nghị cùng bà con nông dân một số giống có thể sử dụng và giới hạn sử dụng trong vụ ĐX 2006-2007 như sau:

1- Giống có khả năng chống chịu rầy nâu và đạo ôn có thể tiếp tục chọn để gieo sạ như: VND 95-20, IR 50404, IR 64, OMCS 2000, AS 996, OM 2395, OM 2517, OM 576, MTL 250. Giống OM 2517 rất phổ biến ở tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng... nhưng ở An Giang trong vụ 3 năm 2006 bị rầy nâu truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá khá phổ biến và mức độ thiệt hại hơn 20%.

2- Giống chống chịu rầy nâu và đạo ôn mức độ kém cần phải giới hạn sử dụng (nếu thiếu giống có thể sử dụng nhưng chú ý phòng trị rầy nâu thật tốt): Jasmine 85, OM 2717, M2718, OM1723, AG24, OM 2514, OM3242-49, VD20 (thơm nút, thơm Đài Loan, ĐS 20), OM1490. Theo ý kiến của GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Nông nghiệp miền Nam thì đối với giống lúa thơm như Jasmine, VD 20 diện tích nên giới hạn dưới 10%, riêng đối với giống OM 1490 có thể không dùng.

3- Giống mới có khả năng chống chịu rầy nâu:

- OM 4498 (IR64/OMCS 2000//IR 64): Thời gian sinh trưởng: 90-95 ngày. Khá cứng cây, đẻ nhánh khá, cao cây: 100cm, trọng lượng 1.000 hạt 25,8g, bông dài 26cm, gạo trong, hơi khô cơm. Chống chịu rầy nâu cấp 5, đạo ôn cấp 3. Năng suất: Đông xuân: 6-8 tấn, hè thu 5-6 tấn.

- OM 4655 (OM 2502/OM 3536): Thời gian sinh trưởng: 87-92ngày. Khá cứng cây, đẻ nhánh khá, trổ tập trung, bông dài, dạng hình đẹp, gạo đẹp, mềm cơm. Chống chịu rầy nâu cấp 5, đạo ôn cấp 5. Năng suất: Đông xuân: 6-8 tấn, hè thu 5-6 tấn.

- MTL 384: Thời gian sinh trưởng 85-90 ngày. Đẻ nhánh khá, cây cao 90-95cm (hơi thấp), trổ tập trung, dạng hình đẹp, gạo đẹp, mềm cơm, thích hợp vùng đất 3 vụ, hơi yếu rạ. Chống chịu rầy nâu và đạo ôn khá tốt (cấp 3-5). Năng suất: Đông xuân 6-8 tấn, hè thu 5-6 tấn.

- OM 5930 (Cấy mô OMCS 21-12-7-N-100): Thời gian sinh trưởng: 95-100 ngày. Cứng cây, đẻ nhánh khá, hơi cao cây 105-110cm, gạo đẹp, ngon cơm. Chống chịu rầy nâu cấp 3-5, đạo ôn cấp 3-5. Năng suất: Đông xuân:6-8 tấn, hè thu 5-6 tấn.

- OM 4900 (C53/jasmine(japonica) marker): Thời gian sinh trưởng 100-105 ngày. Cứng cây, đẻ nhánh mạnh, cao cây 110cm, gạo đẹp, ngon cơm, thơm nhẹ. Chống chịu rầy nâu cấp 3-5, đạo ôn cấp 3-5. Năng suất: Đông xuân 6-8 tấn, hè thu 5-6 tấn.

- OM 4668 (VND 95-20/CNT 99): Thời gian sinh trưởng 90-93 ngày. Cứng cây, đẻ nhánh khá, cao cây 90-95cm, gạo đẹp, ngon cơm. Chống chịu rầy nâu cấp 3-5, đạo ôn cấp 3-5. Năng suất: Đông xuân 6-8 tấn, hè thu 5-6 tấn. Kết quả trên do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống An Giang, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Hệ thống Canh tác (Trường ĐHCT) trồng trình diễn tại tỉnh An Giang và ghi nhận.

Trước tình hình thiếu giống chống chịu rầy nâu như hiện nay đề nghị bà con nông dân nên đến Trung tâm Giống hoặc các cơ sở sản xuất lúa giống có uy tín mua hoặc trao đổi. Sau đây là một vài hướng dẫn giúp bà con phân biệt được chất lượng giống tốt: Lúa giống phải có bao bì phải nguyên vẹn, tên giống, còn hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng… và phiếu kiểm tra chất lượng hạt giống rõ ràng. Hạt giống phải đồng đều đầy đặn, sáng, không có hạt bị lem do sâu bệnh, không có mọt và hạt cỏ nhất là lúa cỏ (nếu lúa giống bị mọt có khả năng giảm tỉ lệ nảy mầm). Lúa giống phải nẩy mầm trên 80% đối với giống xác nhận và trên 85% đối với giống nguyên chủng (cơ sở sản xuất bảo đảm hoặc nông dân thử nẩy mầm trước khi mua).