00:00 Số lượt truy cập: 2668236

Giúp nông dân cách nuôi bò sữa 

Được đăng : 03/11/2016
Trong khi nhiều địa phương đang lúng túng trong việc áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa thì một dự án hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi đang được thực hiện ở Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Sơn La, Thanh Hóa... từ một năm nay.

Dự án “Nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa tại các trang trại vừa và nhỏ ở Việt Nam” kéo dài trong năm năm (2006-2011) nằm trong chương trình hỗ trợ nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Từ những yêu cầu chăn nuôi thực tế...

Theo các chuyên gia Nhật Bản, nghề chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam rất mới, nên hầu hết người nông dân chăn nuôi bò sữa (sở hữu hơn 90% tổng số bò sữa cả nước) chưa được đào tạo những kiến thức cơ bản về nuôi bò sữa, mà chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm chăn nuôi các loại gia súc truyền thống. Bò sữa khác hẳn những vật nuôi truyền thống khác, không thể nuôi tuỳ tiện mà đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở vật chất, kiến thức, tay nghề về dinh dưỡng, thú y và có đất trồng cỏ.

Nguồn thức ăn hiện chủ yếu dựa vào nguồn cỏ “cắt từ tự nhiên” (không đủ hàm lượng đạm), những phế phụ phẩm trong nông nghiệp và thức ăn hỗn hợp. Việc này càng trở nên khó khăn khi mùa đông về, mùa khô hạn đến. Việt Nam lại nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm cao nên ít phù hợp với những loại bò sữa lai nhập từ nước ngoài. Tiến sĩ Moriyama, chuyên gia Nhật Bản về quản lý chăn nuôi bò sữa khẳng định: "Thái-lan, Indonesia cũng có điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhưng đã nuôi bò sữa thành công. Muốn thế, Việt Nam phải tìm giải pháp và mô hình thích hợp trong chăn nuôi bò sữa".

Ông Moriyama cùng các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản khảo sát tại bốn vùng dự án ở Mộc Châu (Sơn La), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Khoái Châu (Hưng Yên) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

Theo ông, những vùng này  tuy có khó khăn, nhưng mỗi vùng lại có những thế mạnh riêng. Mộc Châu là vùng có địa thế cũng như khí hậu thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa. Thọ Xuân tuy nắng nóng nhiều nhưng có nguồn phụ phẩm dồi dào từ sản  xuất mía đường của Nhà máy đường Lam Sơn. Khoái Châu và Vĩnh Tường khó khăn về đất chăn thả và trồng cỏ nhưng lại có nguồn phụ phẩm nông nghiệp phong phú.

Đàn bò sữa ở những vùng này đang phát triển khá ổn định nhưng để chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao hơn và nhân rộng thành phong trào trên địa bàn thì việc chọn giống bò, chăm sóc, phòng bệnh, thu gom, bảo quản sữa đều phải đúng quy trình kỹ thuật. Những yêu cầu này đòi hỏi người nuôi bò sữa phải có hiểu biết cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi, thú y.  

Giúp bà con nông dân kỹ thuật chăn nuôi bò sữa

 
Vắt sữa bằng máy.
Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Tây) thuộc Viện Chăn nuôi quốc gia là nơi dự án “đóng đô”. Đây là cơ sở đào tạo kỹ thuật chăn nuôi bò sữa với nhiều lớp đào tạo giảng viên quốc gia do các chuyên gia về bò sữa của  JICA giảng dạy.

Ông Saito Norio, cố vấn trưởng dự án hợp tác Việt Nam-Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi sẽ đào tạo cho học viên các kỹ thuật tốt nhất về chăn nuôi bò sữa để trở thành những giảng viên cấp quốc gia. Họ chính là những chuyên gia đào tạo lại cho các cán bộ thú y, kỹ thuật viên địa phương và các hộ nông dân nuôi bò sữa ở các vùng mục tiêu của dự án”.

Theo ông Lê Trọng Lạp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, những  kỹ thuật viên có tay nghề cao sẽ có cơ hội sang Nhật Bản đào tạo nâng cao kiến thức trong lĩnh vực này. Nhật Bản là nước có nền khoa học kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa.

Anh Phương Văn Vỹ, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, một trong sáu học viên đang theo khóa đào tạo giảng viên cấp quốc gia nhận xét: "Các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu và truyền đạt cho chúng tôi nhiều kỹ thuật mới chăm sóc bê, bò sữa cùng nhiều kiến thức mà trước đó chúng tôi  chưa nắm được".

 Các chuyên gia của JICA không chỉ hướng dẫn các kỹ thuật chăn nuôi như chẩn đoán lâm sàng, chăm sóc nuôi dưỡng cho từng giai đoạn của nuôi bò mà còn hướng dẫn cách trồng cỏ đúng kỹ thuật để cho thu hoạch đúng thời vụ và năng suất cao.

Các kỹ thuật viên từng tham gia khóa học của "thầy" Kikuchi, một chuyên gia của JICA, bây giờ tỏ ra thành thục với kỹ thuật trồng cỏ voi. Trước khi thực hiện trồng cỏ, họ phải tìm hiểu, nghiên cứu địa hình, chất đất, điều kiện khí hậu, gieo trồng thử nghiệm vài luống, nếu cho kết quả tốt, mới hướng dẫn các hộ nuôi bò cách trồng, chăm sóc và cách cắt cỏ.

Vùng đất Ba Vì cao hơn mực nước biển tới 100 m, thiếu nước, cây cỏ khó mọc. Cứ ba tháng mùa đông cỏ "ngủ" im, không phát triển, nên khó khăn cho các hộ chăn nuôi ở đây.

Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì dành hẳn một khu đất  rộng hơn 20 ha trồng cỏ mùa đông cung cấp  một phần "lương thực" cho các hộ nuôi bò sữa trong những ngày đông gía rét.

Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, đã thành "nếp" chăn nuôi bò, khi mùa đông chưa đến, các hộ ở đây đã phải chuẩn bị thu gom "lương thực". Anh Phương, một chủ hộ nuôi bò sữa lâu năm ở Ba Vì hy vọng với kỹ thuật trồng cỏ mới này, người nông dân chủ động được nguồn thức ăn mùa đông cho đàn bò của mình.

Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì dự tính đưa tổng đàn bò lên 1.500 con và sản lượng sữa từ 1.100 tấn trong năm 2006 lên 3.000 tấn/năm vào năm 2010.

Trang trại của anh Toàn nằm giữa "ngôi làng" nuôi bò sữa Ba Vì  với gần 30 con được coi là một trong những hộ chăn nuôi lớn nhất nhì của Trung tâm  này. Không những thế, trang trại còn thành công trong trồng cỏ voi,  chủ động nguồn rơm, tận dụng phân làm biogas, "hiện đại hóa" các công đoạn vắt sữa.

Anh Tòan nói: "Mặc dù người nông dân chăn nuôi bò sữa nắm được kỹ thuật qua các khóa học khuyến nông nhưng họ vẫn cần được hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên hơn từ các cán bộ chăn nuôi, các kỹ thuật viên có tay nghề cao".

Trong những năm tới, mỗi vùng chăn nuôi bò sữa như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Sơn La và Trung tâm ở Ba Vì, Hà Tây sẽ lựa chọn 10 trang trại  cho mỗi vùng để xây dựng trở thành những trang trại "mẫu". Đây là những mô hình thích hợp về nuôi dưỡng và quản lý đàn bò có năng suất cao, giúp người dân nhiều địa phương khác ở Việt Nam phát triển chăn nuôi bò sữa một cách hiệu quả và bền vững.