00:00 Số lượt truy cập: 2668426

Hà Nội: Chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường 

Được đăng : 03/11/2016

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở KH & CN thành phố năm 2013, hai ngành đã cụ thể hóa thành chương trình công tác năm của ngành mình, chỉ đạo các phòng, ban, trung tâm chức năng của hai đơn vị phối hợp chặt chẽ, triển khai tổ chức thực hiện.


Ngay từ đầu năm 2013, lãnh đạo hai ngành đã họp bàn rút kinh nghiệm công tác phối hợp hoạt động năm 2012 và đề ra các hoạt động phối hợp năm 2013. Lãnh đạo hai ngành đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phối hợp năm 2013, bàn các cơ chế, giải pháp thực hiện. Trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp; nghiên cứu đề tài khoa học cấp Thành phố và xây dựng, phát triển bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp các sản phẩm nông nghiệp của nông dân.

Hàng tháng, Hội Nông dân thành phố tuyên truyền các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giải pháp kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt, các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất trên Bản tin, website của Hội tới 100% các chi, tổ hội đến các ban, trung tâm của Thành Hội.

Hai ngành đã phối hợp cùng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Lê Hồng Phong và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội tổ chức tập huấn cho 671 đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch Hội nông dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố về nội dung “xây dựng và phát triển bảo hộ nhãn hiệu nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Qua lớp tập huấn, các đồng chí các bộ Hội cơ sở đã nắm vững được một số kiến thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà trọng tâm là bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp; đồng thời hiểu và nắm được mục đích, ý nghĩa và các giá trị thương mại trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mang lại.

Tham gia xây dựng, phát triển bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp các sản phẩm nông nghiệp do nông dân Hà Nội sản xuất. Đây là một nội dung mới và có tính cấp thiết cao trong công tác Hội và phong trào nông dân thành phố Hà Nội. Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân Thành phố đã cùng Sở Khoa học và Công nghệ mà trực tiếp là phòng Sở hữu trí tuệ của Sở đã thống kê, rà soát tổng thể các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của Thủ đô (hiện đã thống kê được gần 100 sản phẩm); thống kê các sản phẩm đang được bảo hộ (10 sản phẩm đang được bảo hộ về nhãn hiệu), sản phẩm đang là thủ tục trình Cục Sở hữu trí tuệ. Từ đó lên chương trình hướng dẫn các quận, huyện, thị hội tổ chức xác lập quyền sở hữu trí tuệ và có phương hướng sản xuất kinh doanh phát triển thành thương hiệu nông sản của Thủ đô. Đến nay, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn đã đăng ký và chính thức được công nhận là chủ nhãn hiệu tập thể rau hữu cơ Sóc Sơn.

Các quận, huyện, thị Hội đang tích cực phối hợp cùng các phòng ban chức năng lập hồ sơ trình Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý các sản phẩm đặc sản của địa phương như: sản phẩm cốm Vòng của HND quận Cầu Giấy; râu sắng, mơ Hương tích của HND huyện Mỹ Đức; bưởi Thố của HND huyện Phú Xuyên; vịt cỏ Vân Đình của HND huyện Ứng Hòa; phật thủ của HND huyện Hoài Đức.

Thành phố tập trung hướng dẫn và chuyển giao thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường như: mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học tại huyện Phúc Thọ, Ứng Hòa; mô hình trồng nấm tại huyện Sóc Sơn, quận Hà Đông; mô hình ử rơm thành phân hữu cơ tại huyện Thanh Oai; mô hình áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Xuyên, mô hình thu gom phân loại rác thải tại nguồn sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng tại huyện Hoài Đức… Trên cơ sở đó đã tuyên truyền về lợi ích xã hội, kinh tế của các mô hình đó trong toàn tổ chức Hội, để học tập rút kinh nghiệm và áp dụng rộng rãi.

Đặc biệt, Hội Nông dân huyện Hoài Đức đã tích cực tham gia giữ gìn, bảo tồn gen giống bưởi đường Quế Dương (sản phẩm đang được bảo hộ nhãn hiệu tập thể) theo sự chỉ đạo của Huyện Ủy, UBND huyện và sự giúp đỡ của Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN&PTNT. Hội Nông dân huyện Quốc Oai triển khai công tác khai thác thư viện điện tử về chăn nuôi và xử lý phân vi sinh cho các đồng chí từ chi hội đến BCH Hội Nông dân các xã của huyện theo chương trình phối hợp với Cục KHCN Bộ KH&CN./.