Hỏi: Xem truyền hình tôi thấy bà con ở Ninh Thuận trồng cây trôm cho thu hoạch nhựa rất có hiệu quả. Không biết ở Hà Tĩnh có trồng được trôm không? Xin quí báo cho biết rõ hơn về loại cây này: yêu cầu sinh thái, giá trị kinh tế, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Có thể mua giống ở đâu?
(Trần Bình Minh - xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh)
Trả lời: Theo tài liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), trôm (Sterculia foetida L.) là cây lâm nghiệp thuộc họ gỗ lớn, là cây trồng đa tác dụng, có thể trồng với nhiều phương thức, mục đích khác nhau như: trồng xen canh nông lâm kết hợp, trồng thuần loài toàn diện để lấy gỗ, lấy mủ, trồng thành rừng phòng hộ ven biển chống gió bão, chống cát bay, cát nhảy, chống sa mạc hóa, bảo vệ nguồn nước ngầm, cải tạo môi trường sinh thái; phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bảo vệ đất, chống xói mòn kết hợp khai thác mủ… cho hiệu quả kinh tế và lợi ích xã hội rất cao.
Gỗ trôm có thể dùng trong xây dựng, xẻ ván, đóng đồ mộc, làm bột sản xuất giấy, sản xuất gỗ ép; vỏ cây và hạt dùng làm nguyên liệu cho ngành dược liệu; mủ trôm có nhiều dinh dưỡng, khoáng chất là nguồn nguyên liệu quí để chế biến nước giải khát rất có giá trị. Hiện tại nông dân ở các tỉnh miền Trung trồng trôm khai thác mủ bán cho các cơ sở chế biến nước giải khát với giá từ 200.000-300.000 đồng/kg cho hiệu quả rất cao, nhiều hộ đã có nguồn thu từ vài chục đến trên trăm triệu đồng/năm như ở xã Nam Phước, Ninh Phước, Ninh Thuận.
- Yêu cầu sinh thái: Trôm chịu được khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, lượng mưa thấp, 600-700mm/năm, nhiệt độ đất và không khí cao đến 40-45oC với 6-7 tháng mùa khô; đất trống đồi núi trọc nghèo xấu trên các loại đá mẹ thô như granit, phù sa cổ, sa thạch, thậm chí có 80-90% là cát hay có nhiều đá lẫn hoặc đá lộ đầu đều trồng được. Trôm có khả năng chịu nắng, chịu nóng, chịu hạn cao trong điều kiện môi trường đất nghèo xấu thiếu mùn và dinh dưỡng nhưng lại cho chất lượng mủ tốt trong khi vẫn sinh trưởng, phát triển tốt ở những nơi mưa nhiều, đất tốt lại cho chất lượng mủ kém.
Theo điều tra của các nhà khoa học, ở nước ta trôm mọc tự nhiên và được trồng nhiều ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; những nơi mưa nhiều như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cây trôm cũng được trồng trên các đường phố, trong công viên vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, tuy nhiên chỉ để làm cây bóng mát, do lượng mưa nhiều nên chất lượng mủ trôm không tốt.
Đối chiếu với các yêu cầu trên, theo chúng tôi ở vùng ven biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh quê bạn cũng có thể trồng trôm được, tuy nhiên, để cho chắc chắn bạn nên trồng thử nghiệm với số lượng nhỏ để theo dõi, rút kinh nghiệm, nếu kết quả tốt hãy nhân rộng để tránh thiệt hại, rủi ro không đáng có. Bạn có thể liên hệ với ông Đặng Kim Cương, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước (Ninh Thuận) theo số ĐT: 0913198048 để được tư vấn thêm về kỹ thuật và mua giống.
- Nhân giống, trồng, chăm sóc: Hạt được gieo ươm trong bầu, sau 3-4 tháng tuổi có chiều cao 35-40cm, đường kính cổ rễ 3-4mm là đem trồng vào giữa mùa mưa, từ tháng 9 đến tháng 11 khi đất có đủ độ ẩm. Mật độ, khoảng cách trồng phụ thuộc vào loại đất, mục đích sử dụng: trồng nông lâm kết hợp với dứa, chuối, điều… 550 cây/ha (3 x 5m); trồng thuần loài toàn diện thành rừng phòng hộ: 1.100 cây/ha (3 x 3m). Xử lý thực bì nơi thưa, theo băng nơi dày, đào hố kích thước 30 x 30 x 40cm, bón lót 3-5kg phân chuồng hoai/hố khi trồng.
Nơi khô hạn đặt bầu trên luống chìm ở độ sâu 15cm (mặt bầu ngang mặt đất), tủ kín gốc bằng rơm rạ, tưới đủ ẩm cho cây. Thời gian đầu cần tủ gốc bằng rơm rạ hoặc làm giàn che nắng, chắn gió cho cây. Trong 2-3 năm đầu, mỗi năm phát luống, xới cỏ, vun gốc cho cây 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa.
- Khai thác mủ: Cây trồng 4-5 năm, đường kính 10-12cm bắt đầu khai thác nhựa. Dùng đục tạo lỗ trên thân, cỡ 2 x 2cm ở độ cao 0,5m trở lên. Các lỗ đục xen kẽ nhau ở 2 bên hoặc 4 bên trên thân cây, mỗi bên từ 4-8 lỗ tùy theo chiều cao và đường kính thân, mỗi lỗ cách nhau 25cm sâu qua lớp vỏ vừa chạm phần lõi thân. Từ lúc đục lỗ đến khi lấy mủ mất 15-20 ngày, chậm nhất 1 tháng. Thời gian vết thương lỗ đục liền lại khoảng 30 ngày, người khai thác có thể đục lại lỗ cũ, cứ thế lặp lại 3-4 lần/vụ. Không khai thác nhựa vào tháng 4-5 khi cây rụng lá, chất lượng mủ không tốt.
Còn một phương pháp lấy mủ khác hiện đang được khuyến khích áp dụng là cắt ngọn đầu cành. Chọn những cành bánh tẻ, không quá non, không quá già để cắt bỏ phần ngọn rồi dùng bao nilon bao lại chỗ vừa cắt, buộc chặt để lấy nhựa. Với cách này nhựa trôm không bị ô xy hoá nên trong hơn, không bị lẫn tạp chất, chất lượng tốt hơn mà không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây.