00:00 Số lượt truy cập: 2668604

Hà Tĩnh: xây dựng thành công trong mô hình đa cây, đa con đem lại hiệu quả cao tại Đức Thọ 

Được đăng : 03/11/2016
Huyện Đức thọ (Hà Tĩnh) là một huyện đồng bằng bán sơn địa nằm phía bắc của tỉnh, có cây trồng, con nuôi phong phú. Người dân Đức Thọ có truyền thống thâm canh trong sản xuất, ứng dụng tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật rất tốt, có hệ thống tưới tiêu chủ động vì có kênh đào Linh Cảm bơm nước từ Sông La phục vụ tưới cho đại đa số xã trong toàn huyện. Tuy nhiên, huyện Đức thọ vẫn còn có một số khó khăn đó là: địa hình phức tạp, nhiều vùng canh tác khó khăn. Vùng ngoài đê hàng năm luôn bị lũ lụt làm ảnh hưởng đến sản xuất, vùng trong đê là một vùng trọng điểm lúa thì nhiều xã bị ngập úng nặng.


Trong những năm qua, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước ngành nông nghiệp ở Đức Thọ có nhiều khởi sắc, năng suất , sản lượng cây trồng, vật nuôi ngày càng tăng, cơ cấu cây trồng, con nuôi ngày càng đa dạng hoá và được tăng theo hướng tăng giá trị kinh tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp- nông thôn như điện, đường, trường trạm đã được nâng cấp, cải thiến cả về chất lượng và số lượng. Đời sống nhân dân ngày càng được tăng lên. Tuy nhiên, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, các chương trình, mô hình kinh tế chưa nhân ra được diện rộng.

Để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, hướng tới xây dựng những cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm và hộ có thu nhập 30-50 triệu đồng/năm. Những năm qua, UBND huyện Đức Thọ đã có nhiều chủ trương dồn điền đổi thửa, quy đổi từ ô ruộng nhỏ thành ô ruộng lớn nhằm tích tụ ruộng đất, từ đó tổ chức đấu thầu đất làm trang trại, xây dựng mô hình kinh tế, đồng thời phát động và giao chỉ tiêu cho các địa phương trong huyện xây dựng các mô hình phù hợp cho từng khu vực, từng vùng sản xuất để người dân tham quan học tập từ đó nhân ra diện rộng.

Căn cứ vào tình hình đặc điểm tự nhiên, kinh tế của mỗi địa phương UBND huyện đã giao cho Trung tâm ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ (Trạm khuyến nông) điều tra, khảo sát, tư vấn dựa và nhu cầu của mỗi vùng để xây dựng mô hình phù hợp với tiềm năng và lợi thế. Từ đó tạo bước phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Đến nay đã có 28 xã trên địa bàn toàn huyện đã hình thành nên các mô hình cho thu nhập cao. Vùng lúa được tập trung xây dựng các mô hình theo công thức như: lúa-cá-vịt hay lúa - cá vịt-lợn- trồng hoa. Vùng ngoài đê do ảnh hưởng đến mùa lũ lụt nên chỉ tập trung xây dựng các mô hình cây ngắn ngày và cây công nghiệp như: lạc xuân- đậu hè thu-rau an toàn; vùng trà sơn được xây dựng theo công thức: trồng cỏ-nuôi bò-ao cá- trồng cây ăn quả; nuôi ếch, ba ba thâm canh... Hiện nay đã có nhiều mô hình đa cây, đa con cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng/ha/năm và những hộ tham gia mô hình đã cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng/hộ/năm như: mô hình lúa-cá-vịt kết hợp trồng cỏ, rau màu và chăn nuôi trâu bò ở Đức Lâm, Bùi Xá, Đức Yên; lạc xuân- đậu hè thu-rau ở Đức La; trồng cỏ-nuôi bò-ao cá- trồng cây ăn quả ở Tân Hương, Đức An... Từ những kết quả của các mô hình này UBND huyện đã giao cho Trung tâm ứng dụng khoa học chuyển giao công nghệ nhân ra diện rộng tổ chức cho các hộ nông dân tham quan học tập để nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn huyện. Với mô hình đa cây, đa con đã giúp các hộ nông dân thay đổi được tập quán sản xuất độc canh, và tăng thêm nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân, giúp nông dân xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên vùng đất của mình, đặc biệt các mô hình này đã trở thành địa chỉ tham quan học tập không chỉ của người dân trong huyện và cả các địa phương khác trong tỉnh./.