00:00 Số lượt truy cập: 2661876

Hai người chung một đôi chân 

Được đăng : 03/11/2016
Ở tổ 14 phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái ai cũng biết đôi vợ chồng anh Nguyễn Trọng Hùng và chị Đỗ Thị Nhâm, đều là thương binh hạng 1/4. Mỗi người đều đã mất một chân trong chiến tranh, nhưng bằng lao động không mệt mỏi, họ đã cùng nhau xây nên một nông trại khang trang.

Trong một lần tham gia chiến dịch năm 1984 ở miền núi phía Bắc, quả mìn của địch đã cưa đứt đôi chân của anh Hùng. Còn chị Nhâm xuất ngũ với thương tật đầy mình. Những cơn đau do gẫy hở 1/3 trên xương đùi trái, chấn thương sọ não, lệch khoang chậu, mỗi khi trái nắng trở trời luôn hành hạ chị...

Hai người gặp nhau ở khu an dưỡng đoàn 235 (Hương Canh, Phúc Yên). Tình yêu nảy nở từ những bản tình ca chị hát cho anh nghe trong những lúc chị đẩy xe đưa anh đi dạo.

Sau khi sinh đứa con gái đầu lòng khá vất vả, chị Nhâm tưởng như phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Cuộc sống trong trại ngày càng thiếu thốn và vất vả với hai xuất phụ cấp thương tật chưa tới 100.000 đồng vào những năm 1989-1990. Năm 1991, anh chị bàn nhau và quyết tâm ra ngoài để làm ăn sinh sống. Chị Nhâm bảo: "Hồi còn bé, tôi thèm đi học lắm, bố mẹ cho học tới lớp 7 rồi phải nghỉ học. Đi học toàn ăn đói, mặc rách, chân đất đến trường hàng chục cây số. Bây giờ phải cố gắng cho con được học hành, ăn no, mặc ấm cho bằng bạn, bằng bè".

Anh Hùng kể lại những ngày đầu ra khỏi khu an dưỡng, anh chị về ở nhà nhà ông bà ngoại. Hàng ngày, cứ ba giờ sáng, anh thuê xe ôm chở đi xa hàng chục cây số, mua lợn hơi về mổ cho vợ bán.

Làm lụng vất vả, thức khuya dậy sơm, vết thương hay tái phát, dày vò thân xác, nhưng anh chị vẫn cắn răng chịu đựng bởi nếu không nỗ lực sẽ gục ngã bởi thương tật.

 Vay mượn tiền bạn bè, họ hàng, anh chị đã xây căn nhà ba tầng khang trang trên mảnh đất chính quyền cấp để mở cửa hàng tạp hóa. Rồi tiến thêm làm dịch vụ giải khát, chạy đá cây bán. Tuy nhiên, việc đi lại khó khăn, vốn liếng ít, không thể cạnh tranh. Bao toan tính dần sụp đổ. Có lúc, anh chị cảm thấy tuyệt vọng với cuộc sống, nhất là khi tiền trong túi cạn kiệt, con ốm, vết thương hai vợ chồng tái phát triền miên.

Một mình lên UBND phường xin, anh Hùng được làm chân bảo vệ khu vực chợ Yên Thịnh. Đã ba năm nay, bà con buôn bán trong chợ hoàn toàn yên tâm khi giao hàng vào tay vợ chồng anh thương binh này.

Sau một thời gian, anh chị xin thuê hai xuất đất trong khu vực mở dịch vụ ăn uống và kinh doanh cá tươi. Cuộc sống dần ổn định từ nguồn thu ở chợ.

Anh chị đã tận dụng nguồn thức ăn thừa từ cá, rau để nuôi lợn. Ban đầu, không có chuồng trại, phải thả nhờ lợn hàng xóm. Cuối năm, có lãi, anh chị mạnh dạn đầu tư trang trại.

Hai vợ chồng mang cả hai sổ lương và sổ đỏ đi thế chấp vay vốn ngân hàng. 150 triệu đồng ấy đem xây nhà xưởng và mua lợn giống, máy nghiền thức ăn, làm bể biogas, xây tường rào bảo vệ 250 mét vuông chung quanh khu trang trại.

Tháng 6-2005, 30 lợn đầu tiên được thả với bao phấn chấn và hy vọng. Bảy ngày sau, cơn lũ kinh hoàng cả tỉnh Yên Bái gần như trôi hết niềm hy vọng của gia đình. Cả năm người đứng nhìn đàn lợn, gà, bể biogas trôi mà khóc ròng.

Giữa lúc sự mất mát đã làm cho ý chí vươn lên làm giàu bị dập tắt, chỉ còn bao trùm là nỗi tuyệt vọng mặc cho số phận trôi đi đâu về đâu thì đoàn cán bộ của Hội Cựu chiến binh tỉnh, phường và các cơ quan đoàn thể kịp thời đến thăm hỏi động viên, giúp gia đình rửa dọn chuồng trại. Anh chị một lần nữa gạt nước mắt, quyết tâm "Còn người là còn tất cả". Một lứa lợn khác được thả nhanh chóng. Sau một thời gian ngắn đã được xuất với gần 50 tạ, thu được 50 triệu đồng.

Hiện nay, trang trại của gia đình anh Hùng và chị Nhâm có sáu ô chuồng thông thoáng, vệ sinh với 5 con lợn nái, gần 60 con lợn chuẩn bị xuất.

Đối với người lành lặn, 400 mét từ chợ ra tới khu chăn nuôi không phải là chuyện đáng nói. Nhưng với anh Hùng, ba năm nay, ngày nào cũng vậy, anh đều đặn đi xuống trang trại hai lần. Trong sinh hoạt đời thường, hai chiếc ghế gỗ thay đôi chân giúp anh di chuyển. Mỗi khi cần đi đâu, anh Hùng chuyển từ hai chiếc ghế rồi quăng mình lên xe lăn nhuần nhuyễn và chính xác như một nghệ sĩ nhào lộn. Từ xa, đàn lợn đã nhận ra tiếng lộc cộc phát ra từ "đôi guốc gỗ", kêu eng éc cả một vùng.

Chị Nhâm cho biết từ hồi tháng 9, khi đứa con gái lớn nhập học trường Đại học Sư phạm Tây Bắc nên càng hiếm người làm. Những việc nặng nhọc như nấu cám, cho lợn ăn, rửa dọn chuồng trại do một tay chị đảm nhiệm, anh Hùng chỉ giúp được những việc lặt vặt như vận hành chiếc máy xay sát. Chị bảo dẫu phải nuôi lợn để cho ba đứa con ăn học, khó khăn, vất vả đến đâu anh chị cũng chịu được.

Để có được chiếc bể biogas này, anh Hùng đã mất trắng gần hai chục triệu đồng qua hai lần thất bại. Từ khi có chiếc bể này, anh chị đỡ vất vả hơn khi không phải lên rừng mua củi, có nguồn gas đun nấu thức ăn cho lợn. Chính vì thế mà vệ sinh môi trường chung quanh được đảm bảo, không ảnh hưởng tới bà con lối xóm. Nước thải từ bể còn được mọi người tới xin về tưới rau màu.

Ông Trần Thanh Trà, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cho biết: “ Cả phường có 50 thương binh nhưng không phải ai cũng biết vượt lên hoàn cảnh làm giàu chính đáng như vợ chồng anh Hùng, chị Nhâm. 17 năm qua, anh chị đã lao động không một ngày ngưng nghỉ với sự nỗ lực phi thường. Lao động để chiến thắng thương tật, khẳng định mình, làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Không chỉ đồng đội biết tiếng mà tìm tới học hỏi cách làm giàu của vợ chồng anh Hùng mà ngay cả bà con chòm xóm cũng thường xuyên tới học hỏi cách chăn nuôi lợn thế nào cho khoa học, mau lớn. Lúc rảnh rỗi, anh chị thay phiên nhau tới những gia đình có hoàn cảnh hơn mình động viên, giúp đỡ. Chị Nhâm nói rằng bản thân hai vợ chồng anh chị nay ốm, mai đau, không đến với bà con làng xóm, khi mình "có chuyện", ai biết đến mình mà tìm.

Anh chị theo đạo Thiên chúa, nhưng sống hòa đồng với tất cả bà con hàng xóm. Với anh Hùng thì "đạo nào cũng phải học cái "đạo làm người", biết vượt lên chính số phận của mình, lao động chân chính, đứng vững trên đôi chân của mình, làm giàu chính đáng"

Vào tháng 1-2007 tới, anh Hùng vinh dự thay mặt cựu chiến binh tỉnh Yên Bái dự Hội nghị toàn quốc “Sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp” do Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức.