00:00 Số lượt truy cập: 2661820

Hạn chế cam, chanh rụng quả 

Được đăng : 03/11/2016

Vấn đề rụng quả của cây có múi nói chung và cam, chanh nói riêng là một hiện tượng sinh lý bình thường, do cây có múi ra rất nhiều hoa, khoảng 100.000 - 200.000 hoa trên một cây trưởng thành, tuy nhiên chỉ 1 - 2% sẽ tạo quả cho thu hoạch.


Ngoài những hoa, quả rụng do không được thụ phấn, thụ tinh thì rất nhiều quả non khác phải rụng bớt đi, người ta gọi là rụng quả sinh lý. Thường có 2 đợt rụng: đợt 1 xảy ra sau 3 - 4 tuần nở hoa, đợt 2 vào tháng 5 khi quả có đường kính từ 0,5 - 2,0cm. Rụng quả sinh lý là sự rối loạn liên quan đến sự cạnh tranh hydrat cacbon, nước, hormon và các chất trao đổi chất khác giữa các quả non, tuy nhiên vấn đề này rõ nhất lại là do tác động của các stress, đặc biệt là nhiệt độ cao và thiếu nước và người ta đã chứng minh được rằng khi nhiệt độ không khí trên 40oC và ẩm độ giảm xuống dưới 40% có thể gây rụng quả hàng loạt. Ngoài ra sự thiếu hụt dinh dưỡng và phá hoại của sâu bệnh trong thời kỳ hoa, quả non cũng là nguyên nhân làm cho quả rụng nhiều hơn thường lệ.

Biện pháp hạn chế:

1. Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là cắt tỉa và bón phân sau thu hoạch. Có thể áp dụng quy trình chăm sóc như sau:

Sau thu hoạch:

Tỉa bỏ cành già cỗi, cành sâu bệnh, cành tăm trong tán. Vào đầu mùa xuân khi trời chuyển ấm, cây chuẩn bị nảy lộc, xới đất cho thông thoáng kết hợp bón phân cho mỗi cây 5 - 10kg phân hữu cơ hoai mục và 0,5 - 1,5kg (tuỳ độ lớn của cây) phân NPK 13 - 13 - 13 + TE Đầu Trâu. Phun phân bón lá Đầu Trâu 502 định kỳ 7 - 10 ngày/lần.

Trước khi ra hoa (khoảng cuối tháng 1):

Khi cây ra nụ cần bón cho mỗi cây 0,5 - 1,5kg (tuỳ độ lớn của cây) phân NPK 13 - 13 - 13 + TE Đầu Trâu. Phun phân bón lá Đầu Trâu 702 định kỳ 7 - 10 ngày/lần nhằm giúp cho cây ra hoa tốt.

Sau khi đậu quả (khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4):

Sau khi số hoa trên cây đã nở hết, quả đã hình thành phun phân bón lá Đầu Trâu 902 từ 2 - 3 lần, định kỳ 7 - 10 ngày/lần để hạn chế rụng quả. Khi quả bằng đầu ngón tay út, bón cho mỗi cây 0,5 - 1,0kg phân NPK 13 - 13 - 13 + TE Đầu Trâu.

Bón thúc nuôi quả:

Trong thời kỳ cây mang quả (từ tháng 6 - tháng 10), bón thúc cho mỗi cây 0,5 - 1,5kg (tuỳ độ lớn và số quả trên cây) phân NPK 13 - 13 - 13 + TE Đầu Trâu, định kỳ 1,5 tháng/1 lần. Phun phân bón lá Đầu Trâu 2 - 3 lần trước thu hoạch từ 20 - 30 ngày nhằm tạo cho quả mọng, bóng, tăng độ ngọt.

Trong thời kỳ cây mang quả thường có nhiều chồi vượt mọc từ thân trong tán cần tỉa bỏ để không cạnh tranh dinh dưỡng với quả.

Chú ý thoát nước trên vườn khi trời mưa và tưới bổ sung khi không có mưa, luôn đảm bảo độ ẩm đất trong khoảng 65 - 70%.

2. Thụ phấn bổ sung:

Bằng nuôi o­ng hoặc kiến vào trong vườn cam. Người ta thống kê được có tới 200.000 giống động vật trong thế giới hoang dã làm nhiệm vụ truyền phấn (vectors), nhiều nhất trong số đó là các loài côn trùng (ong mật, o­ng bắp cày, kiến (hymenoptera), bọ cánh cứng (coleoptera), bướm ngài và bướm cánh phượng (lepidoptera) và ruồi (diptera); một số loài động vật có xương sống như chim, dơi, đặc biệt là chim ruồi (hummingbirds), chim trời (sunbirds), chim nhện (spiderhunters), chim hút mật (honeyeaters) và dơi ăn quả (fruit bats).

Thụ phấn trực tiếp bằng tay: Có thể sử dụng phấn hoa của giống khác để thụ phấn sẽ nâng cao được khả năng thụ tinh và hiệu quả chống rụng quả sẽ cao.

3. Sử dụng chất điều hòa sinh trưởng như GA3, NAA v.v.. Những chất điều hòa sinh trưởng này có tác dụng như những hoócmon ngoại sinh tác động làm ức chế sinh tổng hợp axít abscisiss (loại axít có ở tầng rời của cuống quả gây rụng quả), do vậy có tác dụng hạn chế rụng quả, nhất là trường hợp những hoa không được thụ phấn không có các hoócmon nội sinh.

4. Phòng trừ sâu, bệnh kịp thời, nhất là nhện và bệnh phytophthora.