00:00 Số lượt truy cập: 2668626

Hàng rào xanh thắm lại những cánh rừng 

Được đăng : 03/11/2016
Gần 40 năm lăn lộn khắp miền đất nước, nhà khoa học Phùng Tửu Bôi luôn trăn trở với giải pháp môi trường cho vùng bị nhiễm chất độc hóa học. Dự án xây dựng hàng rào xanh ở xã Đông Sơn, vùng trọng điểm dioxin huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) mà ông và đồng nghiệp thực hiện đang làm xanh lại những cánh rừng.


Trong tập ảnh tài liệu quý về các cánh rừng Việt Nam, ông Bôi lật giở lại những hình ảnh từ nhiều góc độ về rừng ở huyện A Lưới trước và sau chiến tranh. Những đường vệt mầu xám kéo dài cho thấy những cánh rừng A Lưới xác xơ và hoang phế bởi chất độc hóa học.



Ông Bôi gắn bó với mảnh đất cách mạng này và tự thấy có trách nhiệm với vùng quê có nhiều người con anh hùng nhưng cũng không ít người bị nhiễm dioxin. Trong chiến tranh, A Lưới hứng tới 256 lần rải chất độc hóa học, ba chất chủ yếu là trắng (White), da cam (Orange) và xanh (Blue). Hơn nữa, sân bay A So thuộc xã Đông Sơn, căn cứ quân sự cũ của Mỹ nằm lọt trong thung lũng A Lưới, là nơi đã bị rải chất độc hóa học nhiều lần.



Ông Bôi cho biết: "Tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh ở Đông Sơn cao hơn các xã khác. Cách tốt nhất là khoanh vùng dioxin, bao quanh sân bay A So, thuộc xã Đông Sơn, ngăn chặn sự di chuyển của người, gia súc vào vùng đất nguy hiểm này”.



Nhà khoa học này đã từng tính đến chuyện khoanh vùng bằng hàng rào dây thép gai nhưng không có hiệu quả lâu dài. Đào hào, xây bê tông ngăn chặn dioxin như ở khu vực sân bay Biên Hòa và Đà Nẵng, chi phí lai quá tốn kém. Cuối cùng, ông chọn giải pháp, làm hàng rào bằng cây bồ kết, vừa rẻ, vừa dễ trồng. Cây có nhiều gai lớn và mọc rất nhanh, không làm củi được vì đốt rất khói. Ông từng bắt gặp những hàng rào kiểu như thế này ở các trang trại cà-phê ở Tây Nguyên.



Ngay sau khi tham dự Diễn đàn xã hội thế giới lần thứ 5 ở Brazil vào đầu năm 2005, chuyên gia môi trường Phùng Tửu Bôi và các cộng sự của Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và phát triển cộng đồng bắt tay thực hiện dự án xây dựng hàng rào xanh ở xã Đông Sơn, vùng trọng điểm dioxin huyện A Lưới. Đề tài khoa học đoạt giải trong cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tổ chức.



Vào đầu năm nay, theo đúng hẹn, hai vạn cây bồ kết giống ông đặt hàng của trường Đại học Lâm nghiệp đã theo chân các nhà khoa học “lên đường” đến A Lưới. Đề phòng ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu gió Lào, các nhà khoa học còn mang theo nhiều hạt bồ kết và hạt cây keo gai, cây mây rắc lớp dưới và bên ngoài cây bồ kết.



Một tháng, ông Bôi và các đồng nghiệp tới A Lưới tới vài lần. Có đợt ông "nằm vùng" tới vài tuần, ở cùng bộ đội biên phòng và cùng bà con địa phương đi khảo sát địa hình. Bà con người dân tộc Tà Ôi, Cà Tu ở đây thường gọi ông với cái tên thân mật, nhà khoa học nông dân.



Nhớ lại thời gian “dọn dẹp” khu vực làm hàng rào, đã có lúc ông nghĩ đến chuyện bỏ dở bởi sự khắc nghiệt của môi trường. Dưới lớp đất khô cằn, những vũng nước loang lổ mầu còn nhiều mìn, hàng trăm góc cây to và mảnh máy bay. Mất ba tháng đội thi công gồm bà con, bộ đội và các nhà khoa học mới dọn dẹp và cải tạo xong.



Các nhà khoa học hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây, cách gieo hạt đúng cách. Đến nay, cây bồ kết đã cao đến gần một mét làm hàng rào bao quanh với đường kính 1.000 m, bề rộng hàng cây khỏang 2-3 m, tổng diện tích cây trồng khỏang 8.000-12.000 m2. Hai, ba năm sau, hàng rào xanh sẽ cao 3 mét. Khi được 5 năm, bồ kết rụng hạt. Hạt lại nảy mầm làm cho hàng rào ngày càng ken dày, như mọt thành lũy vừng chắc.



Ông Bôi dự định lựa chọn giống bồ kết tốt về nhân giống và chuyển giao cho bà con trồng quanh A So để phủ xanh rừng, xanh vườn nhà, vườn đồi vốn cằn cỗi bao năm nay. Ngoài các loại cây, rau có sẵn trong vườn nhà, vườn đồi, chất đất vùng này còn phù hợp phát triển cây bồ kết, mây, keo tai tượng và cả cây dó trầm. Ông Bôi cho biết, Giáo sư Furukaoa Hisao và các nhà khoa học đến từ trường Đại học Nhật Bản đưa ra sáng kiến trồng cây dó trầm ngay trong vườn đồi sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho mỗi gia đình ở mảnh đất anh hùng mà họ luôn ngưỡng mộ.



Mỗi năm, những loại cây này có thể cung cấp nguyên liệu cho thị trường. Riêng quả bồ kết không chỉ được bán làm nước gội đầu, mà còn để làm dược liệu, gai bồ kết dùng làm thuốc chữa mụn nhọt. Kế hoạch này của các nhà khoa học cũng nằm trong dự án của tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2006-2010 nhằm phục hồi các hệ sinh thái vùng A Lưới, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân ở vùng bị ảnh hưởng của chất độc hóa học trong thời kỳ chiến tranh.



Mong muốn cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống ở vùng trọng điểm dioxin huyện miền núi A Lưới từ nhiều năm qua là những cố gắng, nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế. Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khi thực hiện mô hình làm hàng rào xanh này, giáo sư Võ Quý, nhà khoa học hàng đầu về môi trường, cho rằng, hàng rào xanh ngăn cách khu vực nhiễm dioxin với khu vực dân cư ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới đang phát triển tốt, có thể giúp cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu khả năng phân hủy của dioxin.



Mô hình làm hàng rào xanh có thể định hướng cho việc xây dựng một khu di tích chứng tích chiến tranh hóa học ở đây. Theo giáo sư Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, đây có thể là mô hình cho các điểm nóng về dioxin như vùng rừng Sặc Ly ở huyện Sa Thầy, Kon Tum hay vùng rừng núi Mã Đà ở Đồng Nai.



Những ngày đầu tháng 11 này, trong khi tiếp tục "chăm sóc" cho hàng rào xanh, nhà khoa học Phùng Tửu Bôi cùng với giáo sư Võ Quý (người chịu trách nhiệm chủ trì) và nhiều chuyên gia môi trường đang khẩn trương hòan thiện cuốn sách “Chất độc hoá học do Mỹ sử dụng ở Việt Nam và vấn đề môi trường”, tài liệu khoa học được coi là quy mô và đầy đủ nhất từ trước đến nay.