00:00 Số lượt truy cập: 2666805

Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thọ Lộc 

Được đăng : 03/11/2016
Những năm gần đây, nhiều xã của huyện Phúc Thọ đã đạt được nhiều kết quả với sự chuyển biến trong công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, xã Thọ Lộc sớm thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi cho hiệu quả cao.


Thọ Lộc là một xã thuần nông nên công tác DĐĐT, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi của xã luôn được chú trọng. Là xã đất chật người đông với 6.764 nhân khẩu trong đó có 4.500 nhân khẩu làm nông nghiệp nhưng chỉ có 242,7ha đất canh tác. Trước đây, ruộng đất manh mún, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cấy 2 vụ lúa và 1 vụ đông nhưng cây vụ đông chủ yếu là ngô, khoai nên hiệu quả trên 1 diện tích đất canh tác còn thấp. Trước khi thực hiện DĐĐT, trung bình 1 hộ xã viên Thọ Lộc có tới 6 ô thửa, manh mún, nhỏ lẻ. 440 hộ có từ 1 - 4 ô thửa, 791 hộ có từ 5 - 9 ô thửa, 133 hộ có 10 - 15 ô thửa. Chính vì vậy, quá trình canh tác của bà con gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, công tác giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ tưới tiêu và thu hoạch cây trồng phải đầu tư chi phí tốn kém mà hiệu quả không cao. Để khắc phục tình trạng diện tích canh tác bị bỏ hoang, manh mún, tăng cao giá trị thu nhập trên 1 diện tích canh tác, giải quyết lao động, cuộc sống, UBND xã Thọ Lộc đã triển khai kế hoạch DĐĐT, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. UBND xã đã xây dựng kế hoạch trên cơ sở nắm chắc số thửa, diện tích của từng thôn để triển khai lãnh đạo DĐĐT và thành lập Ban chỉ đạo DĐĐT do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban đồng thời thành lập các tiểu ban ở mỗi thôn. Các bước dồn đổi ruộng trên cơ sở tự nguyện của bà con để phù hợp với nhu cầu canh tác của các hộ. Kết quả, Thọ Lộc đã giảm được 1.325 ô thửa, trung bình mỗi hộ giảm xuống còn gần 4 ô thửa, số hộ còn 1 ô thửa ngày càng nhiều đã phát huy được hiệu quả đất canh tác tập trung, đa dạng các loại hình canh tác.

Do công tác DĐĐT được chú trọng, tạo ý thức cho việc canh tác chuyên canh nên đồng ruộng Thọ Lộc đã hình thành những vùng canh tác tập trung. Những diện tích đất trũng hoặc đất cao khô hạn đã được bà con xã viên chuyển dịch chuyên canh cây rau màu trên quy mô lớn theo từng cánh đồng. Đến nay, cả xã đã có khoảng 15ha chuyên canh cây rau màu (riêng vụ đông có khoảng trên 40 ha) với đủ các loại phù hợp với từng mùa vụ khác nhau như su hào, cải bắp, rau mùi, cà chua, rau giống... đạt giá trị thu nhập 60-70 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, kinh tế trang trại, vườn trại của xã phát triển mạnh. Những diện tích nhỏ lẻ úng trũng trước đây chỉ cấy được 1 vụ lúa còn lại bị bỏ hoang nhiều đã được dồn đổi phát triển các mô hình VAC, AC... cho thu nhập cao hơn trước kia 3-4 lần. Nếu như tính ở thời điểm trước năm 2000, cả xã mới chỉ có khoảng 8-10 vườn trại trên diện tích 4-5ha thì đến nay đã có 82 vườn trại trên diện tích 31ha (chủ yếu là những vùng úng trũng), cho thu nhập 60-80 triệu đồng 1ha. Trong đó, đã hình thành những vùng chuyển đổi trên diện tích lớn như khu đồng Chằm có diện tích trên 10ha trước đây là vùng úng trũng hoang hóa, mỗi năm chỉ thu hoạch được khoảng 1,8 tấn cá và là rốn nước gây ngập úng những vùng xung quanh. Sau khi thực hiện DĐĐT đã có nhiều hộ dân mạnh dạn nhận vùng trũng đồng Chằm để cải tạo thành mô hình chăn nuôi kết hợp. Toàn bộ khu đồng Chằm đến nay đã được cải tạo thành các trang trại, vườn trại quy mô vừa và nhỏ cho thu nhập 60 - 80 triệu đồng/1 ha. Điều đáng nói trong DĐĐT chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi của Thọ Lộc không chỉ UBND xã tích cực lập kế hoạch, vận động bà con xã viên mà đã có nhiều hộ gia đình mạnh dạn đi đầu trong việc cải tạo những vùng úng trũng phát triển các mô hình đa canh cho hiệu quả cao. Điển hình như hộ anh Tạ Đắc Nhiệm nhận 1 ô thửa vùng trũng trên diện tích gần 1ha chuyển sang phát triển mô hình trang trại đa canh kết hợp. Trên diện tích chuyển đổi, anh Nhiệm đã thuê máy đào đắp, khoanh vùng thành 2 ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn và phát triển vườn cây ăn quả, cây cảnh. Sau nhiều năm tích cực cải tạo diện tích úng trũng, đến nay trang trại của gia đình đã cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, trừ chi phí cho thu lãi trên 50 triệu đồng. Ngoài anh Nhiệm còn nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi cho thu nhập cao. Nhờ tích cực DĐĐT, phát triển các mô hình đa canh tập trung nên nông nghiệp Thọ Lộc đã thu được kết quả đáng mừng, góp phần tích cực nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, bình quân thu nhập trên 1 diện tích canh tác của xã đã đạt gần 40 triệu đồng/ha. Đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh đạt trên 44.000 con trong đó có 4.300 gia súc và 40.000 gia cầm.

Với những hướng đi thích hợp, tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, thúc đẩy TTCN, dịch vụ vươn lên, kinh tế Thọ Lộc đang đổi thay từng ngày. 100% đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa phong quang sạch sẽ. Hàng trăm nhà cao tầng mọc lên san sát, bình quân thu nhập của người dân trong xã đã đạt trên 5 triệu đồng/người/năm, trên 85% số hộ của xã đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.