00:00 Số lượt truy cập: 2638235

Hiệu quả kinh tế cao với mô hình nuôi heo rừng lai ở huyện Cần Giờ (TPHCM) 

Được đăng : 03/11/2016

Cần Giờ là huyện ngoại thành ở TP. HCM diện tích tự nhiên là 71.300 ha, dân số khoảng 80.000 người, nông nghiệp phát triển mạnh nhất là thủy sản, tuy nhiên, trong những năm gần đây do môi trường nước xấu đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển con tôm. Thực hiện chủ trương của thành phố về chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, trạm khuyến nông huyện Cần Giờ đã triển khai mô hình nuôi heo rừng lai, đây là vật nuôi mới có tính chịu đựng kham khổ, có sức đề kháng tốt, sản phẩm đáp ứng nhu cầu ưa thích thị trường.


Từ những hộ tham gia thực hiện mô hình ban đầu đã hình thành và phát triển thêm nhiều hộ và đầu tư thành trang trại nuôi heo rừng theo hướng hàng hóa cung cấp nguồn thịt cho địa phương và thành phố đây là hướng đầu tư đúng đắn khả thi mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân.

Hiện toàn huyện có 41 hộ nuôi heo rừng lai với tổng đàn là 1.139 con.

Với đặc điểm tự nhiên tại địa phương, khi nuôi bà con cần lưu ý các vấn đề kỹ thuật như:

Giống heo: Nên chọn từ các trang trại giống có uy tín hoặc các hộ chăn nuôi ở địa phương có nguồn giống heo rừng lai tốt, thường chọn con giống có màu xám, nâu.

Thức ăn: 50% rau củ quả, lá cây có sẳn trong vườn, 50% cám gạo, ngũ cốc các loại. Mỗi ngày cho ăn 2 lần: sáng lúc 7 giờ, chiều lúc 4 giờ. Thức ăn của heo rừng chủ yếu là thực vật, không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng sẽ làm cho heo mập mỡ mất đi tính đặc trưng heo rừng. Ngoài ra, phải thường xuyên bổ sung premix vitamin và khoáng chất.

Chuồng trại: nên bố trí ở nơi khô ráo, thoáng mát, thuận lợi cho việc chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh. Phải cách xa khu dân cư nhằm tránh gây ô nhiễm và kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn nước sử dụng cho heo phải sạch, không nhiễm kim loại như chì, thạch tín và không nhiễm khuẩn nếu bị nhiễm phải khử trùng bằng Clorin.

- Vây lưới B40 có chân móng kiên cố cách mặt đất 50 cm.

- Mái chuồng lợp bằng tole hoặc lá dừa để heo có chỗ trú ngụ có chỗ heo nằm cho sạch sẽ. Nền ximăng có độ dốc 3% về hướng thoát nước để thuận lợi cho việc vệ sinh.

- Nên xây bể tắm cho heo, không để heo đằm mình ở vũng bùn vì dễ xảy ra bệnh, nhất là bệnh ghẻ.

- Bố trí chuồng heo đực và cái riêng để thuận tiện trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng và tránh khai thác heo đực quá sớm làm giảm chất lượng con đực.

Chăm sóc và nuôi dưỡng:

- Heo nái đẻ: Cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để nái nuôi con, cung cấp đầy đủ nước để nái và bào thai phát triển bình thường. Chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất nhất canxi để 4 chân nái được vững chắc nhằm chịu được sức nặng của bào thai. Vào giai đoạn 2 của thai kì nên cho nái ăn vừa đủ tránh ăn quá nhiều làm bào thai phát triển quá lớn gây tình trạng khó đẻ, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế.

- Heo con theo mẹ: 15 ngày sau khi sinh nên tập ăn cho heo con, vì khi cai sữa heo con bị cắt đứt nguồn sữa dinh dưỡng do đó heo con rất dễ bị stress, nếu không tập ăn sớm thì tỷ lệ hao hụt heo con sau cai sữa cao.

- Heo đực giống: không nên khai thác quá sớm vì cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện. Giai đoạn trưởng thành nên khai thác 2 - 3 lần/tuần. Sau mỗi lần khai thác nên bồi dưỡng cho đực giống 2 - 3 trứng gà và 1 kg giá sống.

Thú y: Bệnh thường xảy ra trên heo rừng lai là bệnh viêm phổi và tiêu chảy trên heo con theo mẹ nhất là vào mùa mưa.

Quy trình tiêm phòng:

- Heo con: 3 ngày và 10 ngày chích Fe; 5 tuần dịch tả heo; 8 tuần lở mồm long móng; 12 tuần dịch tả heo.

- Hậu bị: 27 tuần dịch tả heo, lở mồm long móng.

- Nái: Mang thai 10 tuần dịch tả; mang thai 12 tuần lở mồm long móng.

- Nọc: Định kỳ 10 tháng dịch tả; định kỳ 4 tháng lở mồm long móng.

Tổ chức sản xuất và tiêu thụ:

Để phối hợp tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các hộ chăn nuôi heo rừng lai ở Cần Giờ đã liên kết lại thành lập tổ sản xuất chăn nuôi heo rừng lai xã Long Hòa, tổ có quy chế hoạt động và hỗ trợ cho bà con chăn nuôi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay bình quân 1 tháng tổ liên kết sản xuất heo rừng lai xã Long Hòa xuất 400 con. Hiện tại tổ liển kết sx giống heo rừng lai để cung cấp cho người nuôi (trung bình 15 kg/con giống).

Heo rừng lai là vật nuôi dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, chịu đựng điều kiện kham khổ, vốn đầu tư không lớn phù hợp cho bà con nông dân đầu tư phát triển. Tuy nhiên theo đánh giá chuyên môn thì heo rừng lai chỉ bán giống được 2 - 3 năm liền thôi, khi số hộ nuôi quá nhiều thì phải chuyển qua hướng tiêu thụ dạng thịt.

Cần thực hiện tốt quy trình phòng chống dịch bệnh và khai thác tốt các nguồn phụ phẩm nông nghiệp có tại địa phương để giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi.