00:00 Số lượt truy cập: 2638205

Hiệu quả một Chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Thuỷ sản 

Được đăng : 03/11/2016
Thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động hỗ trợ nông, ngư dân phát triển kinh tế thuỷ sản giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Thuỷ sản, Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia triển khai kế hoạch hoạt động khuyến ngư từ nhiều năm nay và năm 2006, hoạt động này đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.


Công tác xây dựng mô hình

Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn phối hợp với Hội Nông dân, Sở Thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư các tỉnh, thành và chính quyền địa phương xây dựng mô hình. Trước hết là tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình nuôi tôm, cá, phương pháp chọn giống tốt, phân biệt các loại thức ăn công nghiệp để cho ăn theo định mức kỹ thuật, nhận biết các loại bệnh của tôm, cá và cách phòng trị, áp dụng các phương pháp nuôi để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Đến nay, các mô hình đã cho thu hoạch, năng suất đều đạt theo yêu cầu của chương trình, cụ thể là:

- Mô hình nuôi tôm sú trên cát tại xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, có 5 hộ nuôi với diện tích 1ha, năng suất 4tấn/ha, doanh thu 44 triệu đồng/hộ, mỗi hộ lãi 15.4 triệu đồng.

- Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính tại xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ với quy mô 1 ha, có 15 hộ tham gia và tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá cho 70 nông dân, cá nuôi đạt tỷ lệ sống 87%, sản lượng thu hoạch 11 tấn (trọng lượng bình quân 420g/con), mỗi hộ lãi 2-2.2 triệu đồng.

- Mô hình nuôi tôm sú thâm canh tại xã Trường Bình, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với quy mô 1 ha, có 7 hộ nông dân tham gia và tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi tôm cho 90 triệu hội viên nông dân. Qua 4 tháng, tôm nuôi đạt năng suất trung bình 5.2tấn/ha, cỡ tôm từ 30-45con/kg.

- Mô hình ương giống thuỷ sản tại phường Phương Lâm, thị xã Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình và xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô 1ha/mô hình, có 16 hộ tham gia, thực hiện quy trình ương cá bột lên cá hương và cá giống. Đối tượng ương gồm cá trắm, cá trôi, cá chép, cá mè, đồng thời tổ chức tập huấn cho 130 hộ nông dân. Đến nay kết quả thu hoạch đạt tỷ lệ cá từ cá bột lên cá giống 23%, cung cấp con giống cho 72 hộ nông dân thuộc thị xã Hoà Bình, các huyện vùng xa của tỉnh và các tỉnh khác như Sơn La, Lai Châu; cung cấp cho 63 hộ nông dân vùng Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

- Mô hình nuôi cá ao thâm canh tại phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái với quy mô 1 ha, có 8 hộ tham gia, tổ chức tập huấn cho 30 hộ, hỗ trợ cho 30 vạn cá giống, 10 tấn thức ăn công nghiệp. Qua quá trình nuôi, tỷ lệ sống đạt bình quân 60%, trọng lượng cá thu hoạch đạt bình quân 0.3kg/con, cá biệt có hộ chăm sóc tốt nên tỷ lệ sống đạt trên 70%, cá phát triển nhanh, đạt cỡ thu hoạch 0.5kg/con như hộ ông Cao Bá Lộc, ông Nguyễn Đình Thường. Mô hình đạt năng suất bình quân 5.4tấn/ha, môic hộ thu lãi khoảng 3 triệu đồng.

- Mô hình nuôi cá rô phi đỏ tại xã Thủy Phương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô 1 ha, có 10 hộ tham gia, tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh cá rô phi đỏ cho 30 hội viên nông dân. Đến nay mô hình đã cho thu hoạch đạt năng suất 7 tấn/ha.

- Mô hình nuôi cá rô đồng tại xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, quy mô 1 ha, có 6 hộ tham gia. Sau hơn 4 tháng nuôi đạt năng suất 11.2tấn/ha. Các hộ đều có lãi, cao nhất là bà Trần Thị Mỹ lãi 8 triệu đồng, thấp nhất là ông Võ Văn Bảy lãi 3 triệu đồng.

Thông qua công tác xây dựng mô hình đã ngày càng nâng cao trách nhiệm của cán bộ Hội và hội viên với công tác khuyến ngư, đồng thời trau dồi, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật NTTS, để có điều kiện giúp bà con nông dân ở phạm vi rrộng hơn. Từ đó bà con cũng có ý thức nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc ứng dụng kỹ thuật mới vào nuôi trồng thuỷ sản.

Công tác tập huấn

Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh, thành tập huấn kỹ thuật mới trong NTTS cho hội viên, sau đó phối hợp lồng ghép các hoạt động của các chương trình, dự án khác như dự án vay vốn ngân hàng, vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân…để nâng cao hiệu qủa tập huấn.

Đối tượng tham gia tập huấn là các hội viên có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia, đồng thời có khả năng tiếp thu và truyền đạt lại những kiến thức đã tập huấn cho hội viên nông dân khác. Năm qua, Trung tâm đã tổ chức 8 lớp tập huấn kỹ thuật khuyến ngư ở các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hoà Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nam Định, Quảng Ninh, Phú Thọ với 500 học viên. Nội dung tập huấn là các vấn đề kỹ thuật nuôi tôm sú thâm canh, kỹ thuật ương giống thuỷ sản, kỹ thuật nuôi cá ao thâm canh, kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, kỹ thuật nuôi cá ruộng, cá rô phi, cá chép, chim trắng…, kỹ thuật phòng bệnh, trị bệnh cho tôm, cá…

Sau khi tham dự các lớp tập huấn, khoảng 70-80% hội viên nông dân đã áp dụng kiến thức vào sản xuất đạt hiệu quả, ngoài ra còn vận động hỗ trợ các hộ khác tham gia NTTS.

Việc tổ chức triển khai công tác khuyến ngư đã có tác dụng rõ rệt, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ nông dân. Qua triển khai chương trình hàng năm, đã hỗ trợ nông dân nuôi các loài có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc trưng của từng địa phương. Những mô hình trình diễn thành công thực sự là địa điểm để nông dân trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật và là nguồn động viên khích lệ bà con tích cực tham gia sản xuất thuỷ sản, tự tin hơn với nghề nuôi thuỷ sản.

Kết quả thực tế của chương trình đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Hội Nông dân và của ngành thuỷ sản trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong công tác xây dựng và củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.