00:00 Số lượt truy cập: 2661578

Hiệu quả từ mô hình trồng nấm bào ngư 

Được đăng : 03/11/2016

Để góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp đô thị, vừa qua, Phòng Kinh tế thành phố Trà Vinh đã hỗ trợ cho nông dân thực hiện mô hình trồng nấm bào ngư tại phường 1 và phường 8 với mức hỗ trợ 100% giá trị bịch phôi.


Mô hình có 21 hộ dân tham gia thực hiện với số lượng là 200 bịch/hộ, trồng thực nghiệm song song 02 loại nấm trắng và hồng.

Đây là mô hình mới trên địa bàn thành phố nhưng qua thực nghiệm đã cho thấy không có nhiều khó khăn, chi phí và công lao động thấp, diện tích đất ít, các hộ dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để chăm sóc. Các bịch phôi nấm được treo dưới các thanh ngang, mỗi dây treo khoảng 4-5 bịch phôi, bịch dưới cùng cách mặt đất khoảng 40-50cm. Nhiệt độ thích hợp nhất cho nấm là 25-300C, vì vậy mà người trồng nấm thường xuyên tưới nước bằng phương pháp phun sương một ngày từ 2-3 lần để tạo độ ẩm cần thiết cho nấm phát triển. Sau 15 ngày trồng thì bắt đầu thu hoạch, mỗi bịch có thể thu hoạch được 4-5 đợt trong thời gian khoảng 2 tháng, tùy theo cách chăm sóc và nhiệt độ của môi trường.

Trong thời gian thực hiện mô hình, phòng Kinh tế tổ chức tập huấn và cử cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và trao đổi rút kinh nghiệm.

Kết quả, các hộ trồng nấm đã đạt được hiệu quả kinh tế cao, điển hình như cô Nghị Thị Như Thưởng ở khóm 7, phường 8 và chú Thạch Trọng khóm 3, phường 1 với 200 bịch phôi, sau 15 ngày trồng thì bắt đầu thu hoạch, năng suất tổng cộng được 220kg nấm bán cho các quán ăn, nhà hàng, hộ dân, tiểu thương. Với giá từ 25.000 - 30.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí lãi được 4-5 triệu đồng/2 tháng/ 200 bịch phôi.

Nấm bào ngư là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khá cao, cung cấp một lượng đáng kể chất đạm, đường bột, nhiều vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, nấm bào ngư còn là dược liệu quí giá trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe phòng chống nhiều bệnh kể cả, ung bướu nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ tiêu thụ. Với kết quả trên, phòng Kinh tế thành phố tiếp tục hỗ trợ cho nông dân nhân rộng và duy trì thực hiện mô hình này trên địa bàn.