00:00 Số lượt truy cập: 2662942

Hiệu quả từ một mô hình liên kết sản xuất 

Được đăng : 03/11/2016

Năm 1999, câu lạc bộ làm vườn ấp Thị tứ Vàm Xáng, xã Nhơn Nghĩa (Phong Điền – TP. Cần Thơ) được thành lập, với mục đích hỗ trợ nhau về kỹ thuật và phát triển kinh tế. Khi bệnh vàng lá gân xanh hoành hành trên cây có múi và không có thuốc trị, câu lạc bộ đã mạnh dạn chuyển từ trồng cam sang trồng nhãn. Nhờ biết học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cộng với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau, đời sống các thành viên ngày càng ổn định, câu lạc bộ ngày càng phát triển.


Ông Phạm Thanh Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) làm vườn ấp Thị tứ Vàm Xáng, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, trầm ngâm nhớ lại: “Lúc đầu, chúng tôi trồng cam mật, nhưng khi cây cam bị khốn đốn vì bệnh vàng lá gân xanh, chúng tôi đành phải tìm loại cây trồng mới, phù hợp hơn để thay thế. Ban chủ nhiệm CLB đã đi tìm hiểu, tham khảo các mô hình ở các nơi, các tỉnh. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chọn nhãn, vì đây là loại cây có hiệu quả kinh tế tương đối ổn định và dễ trồng, ít bệnh”.

Với sự thống nhất cao, toàn bộ thành viên trong CLB đã đốn cam, trồng nhãn, bắt đầu một mô hình canh tác mới. Những năm đầu mới chuyển đổi cây trồng, CLB gặp khá nhiều khó khăn vì chưa có nhiều kinh nghiệm, giá cả lại không ổn định. Để lấy ngắn nuôi dài, các thành viên trồng nhãn xen canh các loại cây ngắn ngày khác như: đu đủ, hạnh... Tiền lời thu được từ những loại cây ngắn ngày này được dùng để đầu tư chi phí sản xuất. Không chỉ học hỏi kinh nghiệm, biện pháp kỹ thuật từ những hộ điển hình trồng nhãn, CLB còn học hỏi kỹ thuật từ các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông hay từ các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài... Nhờ áp dụng những kỹ thuật mới, hiệu quả và biết đoàn kết tương trợ nhau cùng phát triển, CLB đã dần đi vào ổn định, đạt được kết quả khả quan trong các mùa thu hoạch nhãn.

Để tránh tình trạng trúng mùa rớt giá, câu lạc bộ đã áp dụng việc thu hoạch rải vụ. Hộ nào có khoảng 200 đến 300 cây thì chia ra thu hoạch từng đợt, với 100 cây/đợt. Để làm được điều này, các hộ làm vườn đã áp dụng biện pháp xử lý cho trái nghịch mùa để điều khiển cây ra trái theo ý mình. Ông Lâm Văn Hoàng, người phụ trách kỹ thuật của CLB, cho biết: “Tưới hóa chất KClO3 với một lượng phù hợp để tạo độ sốc cho cây và cứa vỏ cây sẽ giúp kích thích cho cây ra hoa nghịch mùa. Tuy nhiên, nếu sử dụng hóa chất KClO3 nhiều sẽ làm cạn kiệt chất hữu cơ trong đất nên chúng tôi bù đắp lại chất dinh dưỡng bằng cách bón phân hữu cơ cho đất. Kỹ thuật này chúng tôi học hỏi từ các nhà khoa học và tự đúc kết kinh nghiệm trong quá trình sản xuất”. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác nên các hộ đều thu được năng suất và chất lượng cao. Các thương lái tìm đến tận nơi mua hàng, các hộ không phải tốn chi phí vận chuyển.

Ngôi nhà một trệt, một lầu khang trang là niềm tự hào của ông Lâm Văn Hoàng và gia đình. Ông có 1 ha trồng nhãn và là người phụ trách kỹ thuật của CLB nên không khó gì để vườn nhãn luôn trĩu quả. Chỉ tính riêng năm 2006, ông thu hoạch được khoảng 17 tấn/ha, thu được khoảng 60 triệu đồng. Ngoài nhãn, ông còn nuôi thêm ba ba. Với 500 con ba ba lớn, ông cho sinh sản ba ba nhỏ để bán con giống cho các hộ nuôi hoặc trại nuôi ở Cần Thơ và các tỉnh khác. Trung bình một năm, ông lời được khoảng 30 triệu đồng từ nguồn thu ba ba. Với 1 ha trồng nhãn và các loại cây xen canh, có năm ông Trần Văn Thủ, Phó Chủ nhiệm CLB thu được lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Ông Hoàng, ông Thủ đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp thành phố nhiều năm liền.

Ông Trần Văn Thủ, Phó Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Tổng diện tích trồng nhãn của CLB khoảng 15 ha. Với cách trồng 2 năm- 3 vụ, năng suất bình quân đạt 60 kg/cây/vụ, một công nhãn thu hoạch được 2 tấn, nếu tính giá bình quân khoảng 3.400 đồng/kg, trừ chi phí, còn lời khoảng 5 triệu đồng/công”. Đời sống của các thành viên trong CLB đã ngày càng ổn định và khấm khá hơn. Năm 2006, có 13 hộ thu được lợi nhuận từ 20 triệu đồng trở lên/năm, tăng 5 hộ so với năm 2005. Số còn lại có lợi nhuận từ 15-19 triệu đồng/năm. Từ 19 hộ thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã có thêm nhiều hộ đăng ký tham gia.

Để hỗ trợ nhau trong việc thu hoạch nhãn, CLB áp dụng hình thức trao đổi ngày công với nhau nên tiết kiệm được khoản tiền thuê nhân công. Bên cạnh đó, CLB còn thành lập quỹ hùn vốn hỗ trợ nhau trong sản xuất. Khi thành viên nào cần vốn để sản xuất thì được vay với lãi suất rất thấp. Quỹ cũng dùng để tương trợ các thành viên khi gặp khó khăn, tai nạn đột xuất. Ông Phạm Thanh Sơn, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Mỗi thành viên phải có kế hoạch làm kinh tế rõ ràng trong một quí. Dựa vào kế hoạch đó, Ban Chủ nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc họ làm đúng kế hoạch để công việc đạt yêu cầu và hiệu quả cao. Điều này cũng giúp công tác đánh giá, tổng kết của Ban Chủ nhiệm được thuận lợi, chính xác hơn”.

Năm 2005 và 2006, CLB được nhận giấy khen của UBND xã và UBND huyện. Nhiều cá nhân được khen thưởng, báo cáo điển hình nông dân sản xuất giỏi ở cấp huyện, cấp thành phố. CLB làm vườn ấp Thị tứ Vàm Xáng là một trong những CLB làm vườn nổi bật của xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền trong việc liên kết hợp tác sản xuất hiệu quả.