00:00 Số lượt truy cập: 2638201

Hội NDVN: Xây dựng trên 200 nghìn mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, khuyến công,… 

Được đăng : 03/11/2016

Sau những năm triển khai thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ của Hội NDVN cho thấy, mặc dù còn nhiều bất cập như­ng đã thu được những kết quả bư­ớc đầu đáng khích lệ.


Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh và khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới, nhưng với sự trợ giúp, tư vấn, hướng dẫn của các cấp Hội, công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã được đẩy mạnh, hiện nay có trên 6 triệu cán bộ, hội viên nông dân tham gia tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, khuyến ngư với hơn 100 nghìn lớp tập huấn. Xây dựng trên 200 nghìn mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, khuyến công… Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển và có bước nâng cao về chất. Số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng. Hàng năm đã có trên 8,2 triệu hộ nông dân đăng ký, trong đó có trên 4,2 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần; số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 5 lần.

Thông qua các phong trào thi đua, nhận thức chung của các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của khoa học công nghệ được nâng lên, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Các hoạt động ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làm xuất hiện thêm các mô hình, điển hình tiên tiến, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều sản phẩm của nông dân đã chứa đựng hàm lượng khoa học công nghệ.

Các cấp Hội đã quan tâm đến công tác khoa học và công nghệ trong quá trình tổ chức và chỉ đạo phong trào nông dân và hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Trình độ cán bộ của các cấp Hội trong việc tổ chức các hoạt động đưa khoa học kỹ thuật về cho nông dân được nâng lên rõ rệt.

Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu quả thiết thực và được thể hiện rõ nét.

Tuy vậy, còn có những hạn chế, yếu kém, đó là: Việc tổ chức phổ biến, quán triệt mục đích, nội dung của Nghị quyết ở một số địa phương, cơ sở còn có biểu hiện qua loa, hình thức, thiếu nhất quán. Vì vậy còn một số tỉnh, thành Hội chưa ký kết nội dung phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ.

Trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, một số địa phương, cơ sở còn thiếu năng động, sáng tạo, lúng túng trong việc đề xuất, xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ và kinh phí tổ chức thực hiện hàng năm, mặc dù đã có chương trình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ.

Công tác kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện Nghị quyết của các cấp Hội nhìn chung còn thiếu thường xuyên, nghiêm túc.

Trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết nhiều tỉnh, thành Hội chưa tranh thủ được sự phối hợp của các ngành, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học để đưa khoa học và công nghệ vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.