00:00 Số lượt truy cập: 2661791

Hội Nông dân Quảng Trị với việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường 

Được đăng : 03/11/2016

Thực hiện Chỉ thị số 50/CT-TW của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) đất nước, Chỉ thị 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị về việc phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH, Hội nghị Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh lần thứ 3 (khoá VIII) đã ra Nghị quyết chuyên đề về việc: "Đưa CNSH vào sản xuất và bảo vệ môi trường", trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng.


CNSH bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, với những kỹ thuật hiện đại, tiên tiến và chuyên sâu. Với khả năng và điều kiện của mình, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học, chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện, phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức Quốc tế, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ, hội viên nông dân, góp phần phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, có sức cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Hội vận động nông dân chuyển đổi giống cây trồng có năng suất, xây dựng mô hình luân canh, xen canh, quản lý dịch bệnh tổng hợp IPM, ICM, Viet GAP, sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, phân Bồ đề 688, Bio plan, Pro plan, LUVINA… Khảo nghiệm các giống lúa chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, đã rút ra được một tập đoàn giống lúa chất lượng cao cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa: HC95, Xi23, HT1, P6, TH1, Khang dân… năng suất bình quân đạt 55-60 tạ/ha. Trồng ngô lai Bioseed, C919, LVN10… Lạc MD7, L14, DT2, sen lai ở Cam Lộ…; trồng sắn KM94, KM 140 ở Hải Lệ. Nhân giống keo lai bằng phương pháp giâm hom cho nông dân trồng rừng, các giống hoa nuôi cấy mô tế bào ở Gio Linh… Hình thành các vùng chuyên canhsản xuất các loại rau an toàn ở Đông Hà, vùng trồng cao su ở Gio Linh, trồng cà phê Catimo, chuối ở Hướng Hoá…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hội Nông dân xây dựng nhiều mô hình cải tạo đàn bò ở Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong. Cải tạo đàn bò vàng địa phương tại thị trấn Khe Sanh, sử dụng bò đực lai 75% máu ngoại để phối trực tiếp cho đàn bò địa phương, góp phần đưa tỷ lệ đàn bò lai sind của tỉnh đạt 35%. Các dự án nuôi nhím, nuôi thỏ, nuôi lợn rừng, lợn bản, dê Bách Thảo, gà thả vườn, vịt siêu trứng... đang từng bước được mở rộng có hiệu quả. Các mô hình chăn nuôi lợn tập trung theo hướng công nghiệp đã tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ phát triển, xây dựng hệ thống biogas đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở Vĩnh Lâm. Các mô hình chăn nuôi gia cầm, lợn sử dụng đệm lót sinh học đã đem lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí chăn nuôi, bảo vệmôi trường, tăng năng suất vật nuôi và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở Vĩnh Thuỷ.


Mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng đệm lót sinh học của anh Nguyễn Ngọc Quốc, thôn Tân Lương,xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng mô hình nuôi tôm sú thâm canh bằng công nghệ sinh học, không sử dụng hóa chất - kháng sinh diệt khuẩn, chỉ sử dụng các loại chế phẩm sinh học tại phường Đông Giang và xã Vĩnh Lâm. Ứng dụng thành công quy trình sử dụng chế phẩm sinh học EM trong nuôi tôm, công nghệ đơn giản, vật tư rẻ tiền sẵn có ở địa phương, nên đã nhân rộngtrên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình xử lí nước thải làng nghề bằng phương pháp lên men yếm khí, đã giải quyết cơ bản mùi hôi, tạo điều kiện để phát triển ngành nghề truyền thống. Mô hình x lý chất thải trong chăn nuôi bò nhốt tại Hải Thượng, dùng Chế phẩm E.M xử lý mùi hôi và phân huỷ, bảo đảm được hàm lượng NPK có trong phân, phục vụ cho trồng trọt hữu cơ. Mô hình sản xuất nấm ăn và dược liệu đã tận thu phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Hoạt động chuyển giao, ứng dụng CNSH của Hội Nông dân trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, làm chuyển đổi nhận thức của nông dân, mạnh dạn đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ mới để sản xuất hàng hoá, hội nhập quốc tế.

Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, tuyên truyền, tập huấn cho nông dân, đưa công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Tiếp tục vận động nông dân dồn điền đổi thửa, cơ khí hoá nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hoá nông sản, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững, đây là nhiệm vụ cũng là trách nhiệm của Hội Nông dân./.

Nguyễn Đán, PCT Thường trực Hội ND tỉnh