00:00 Số lượt truy cập: 2661836

Hồng Hạ thoát nghèo 

Được đăng : 03/11/2016

 


 

Thắng lớn từ khi thực hiện

"Mục tiêu của dự án là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho ND nghèo; giúp họ nâng cao hiểu biết và kỹ năng canh tác; phát huy tinh thần tương trợ nhau, từng bước xoá đói giảm nghèo" - ông Nguyễn Hình, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết. 121 lượt hộ tham gia dự án được chia thành 3 nhóm: Nhóm chăn nuôi bò; nhóm thâm canh ngô và nhóm thâm canh đậu xanh. Ban quản lý (BQL) dự án tỉnh còn mời 2 kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi về hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ.

Chị Hoài Thị Ai- Chủ tịch Mặt trận xã Hồng Hạ, nguyên Chủ tịch Hội ND xã thời điểm dự án mới triển khai, nhớ lại: Khó khăn nhất là vốn. Dự án quy định hỗ trợ 1,4 triệu đồng/hộ tham gia mô hình chăn nuôi bò. Số tiền này chỉ mua được một con bê cái dưới 1 năm tuổi, trọng lượng 70-80kg. Các hộ tham gia dự án đều nghèo nên khó có thể bỏ thêm tiền mua bò độ tuổi lớn hơn. BQL dự án đã giúp các hộ vay Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò đã sinh sản 1-2 lứa. 41 con bò đầu tiên được mua với giá từ 2,6-3 triệu đồng/con.

80 hộ tham gia mô hình thâm canh ngô, đậu xanh, được cung cấp giống, vật tư. Nhưng tiền dự án hỗ trợ thấp hơn giá thị trường, như dự án hỗ trợ 3.500 đồng/kg phân đạm, 1.100 đồng/kg phân lân, 3.000 đồng/kg phân kali, nhưng giá thị trường cao hơn từ 500-1.000 đồng/kg các loại. Thậm chí giá đậu xanh giống cao gấp đôi (dự án hỗ trợ 7.000 đồng/kg; giá thị trường 15.000 đồng/kg) nên tất cả các hộ đều bỏ thêm tiền mua đủ giống, vật tư để mô hình có thể triển khai đúng quy trình kỹ thuật. "Có thể nói, dự án đã thắng lớn ngay từ khi mới triển khai" - chị Ai phấn khởi nói.

Nhân rộng mô hình

"Từ khi có dự án, đồng bào ở Hồng Hạ đã biết cách chăm sóc bò, biết trồng ngô, trồng đậu sao cho hiệu quả" - chị Kăn Thìn, một hộ tham gia dự án cho biết.

Chị Thìn là 1 trong số 121 hộ tham gia dự án từ đầu. Gia đình chị có 7 khẩu, cuộc sống khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Với 1,4 triệu đồng dự án hỗ trợ để mua bò, gia đình chị đã vay mượn thêm để mua 1 bò cái sinh sản. Đến nay, đàn bò nhà chị có 6 con. Chị còn cải tạo vườn tạp thành vườn trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Tiền bán bò chị không những trả hết nợ mà còn dựng được nhà mới.


Cũng như chị Thìn, anh Trần Minh Xương tham gia dự án từ những ngày đầu. Không chỉ học cách chăn nuôi bò, anh còn học cả kỹ thuật nuôi dê. Bây giờ, mỗi lứa anh nuôi 20-30 con bò và 20 con dê.


Bên cạnh hướng dẫn ND làm ăn, kỹ thuật sản xuất, dự án còn thành lập 1 CLB trồng trọt và 1 CLB chăn nuôi với 10 nhóm khuyến nông theo địa bàn thôn. Các CLB được trang bị tài liệu kỹ thuật, sinh hoạt định kỳ 1-2 lần/tháng. "Không chỉ các hộ thực hiện dự án, nhiều ND trong vùng cũng đến CLB sinh hoạt"- chị Kăn Một, thành viên CLB trồng trọt cho biết.

Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay dự án bắt đầu quay vòng vốn cho hơn 70 hộ khác. Từ 41 con bò ban đầu, nay đã tăng thêm 53 con. Diện tích trồng ngô lai tăng lên 35ha. Năm 2006 vừa qua, năng suất đậu xanh không cao, nhiều hộ đã chuyển sang trồng ngô. BQL dự án cũng đang tích cực tìm kiếm nguồn lực để tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của dự án. "Đây là cách tốt nhất để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến ND, giúp họ nâng cao thu nhập" - ông Nguyễn Hình  khẳng định.