00:00 Số lượt truy cập: 2668298

Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học cho chuồng nuôi gà an toàn sinh học 

Được đăng : 03/11/2016

Đây là nội dung mới, mở rộng để phù hợp với việc ứng dụng khoa học công nghệ sinh trong chăn nuôi gà tai Sơn La bởi vì: Tận dụng các nguồn phụ phẩm như: Trấu xay thóc, mùn cưa….. để làm chất độn chuồng….


Quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm BalasaNo1 để tạo đệm lót sinh học nuôi gà.

1.QUY ĐỊNH CHUNG

a. Đối tượng vật nuôi. ( gà, vịt, ngan, ngỗng).

- Giống gà: Dùng cho tất cả các giống gà;

- Các loại gà: Gà giống, gà hướng trứng, gà hướng thịt.

- Lứa tuổi: Ỏ tất cả các lứa tuổi.

- Mật độ: Gà úm 50-70 con/m2, gà nhỡ 15 - 20 con/m2, gà lớn 7con/m2.

b. Loại hình chăn nuôi:

- Gà nuôi trực tiếp trên nền chuồng hở.

- Gà nuôi trực tiếp trên nền chuồng kín.

- Gà nuôi trên lồng tầng, chuồng kín.

c. Nền chuồng:

- Chuồng có nền được láng xi măng hoặc lát gạch. Nếu chuồng làm mới nên làm nền chuồng đất nện, không láng lát phù hợp hơn và giảm chi phí xây dựng.

d. Độ dầy đệm lót chuồng:

- Độ dầy đệm lót đối với gà úm, nuôi thịt, gà giống: 7 - 10cm.

- Độ dầy đệm lót đối với gà mái đẻ nuôi trên lồng tầng: 20 - 30 cm.

e. Nguyên liệu làm chất độn:

- Cách lựa chọn nguyên liệu làm đệm lót: Các nguyên liệu có độ sơ cao, có độ trơ cứng không dễ bị làm mềm nhũn, không độc, không gây kích thích đối với gà.

- Các loại nguyên liệu phù hợp: Mùn cưa, vỏ bào của các loại gỗ không độc: Trấu, vỏ lạc, lõi ngô, thâm cây ngô nghiền, vỏ hạt bông, thân cây bông, bã mía, xơ dừa. Vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô, vỏ hạt bông có thể để nguyên hoặc cắt nghiền kích thước 3 - 5 mm.


Ảnh: Đồng chí Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch TW HNDVN thăm Dự án nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học tại Sơn La.

2. PHƯƠNG PHÁP LÀM ĐỆM LÓT CHUỒNG NUÔI GÀ TRỰC TIẾP TRÊN NỀN (CHUỒNG KÍN HOẶC HỞ).

a. Cách 1: Rắc men trực tiếp lên đệm lót:

*. Công thức: l kg chế phẩm BALASA N01 rắc cho đệm lót có diện tích từ 35m trở xuống.

*. Cách làm

+ Bước 1: Rải đều trấu lên toàn bộ nền chuồng có độ dầy 10cm (gà thịt), trên 20cm (gà đẻ nuôi ở lồng tầng). Sau khi rải xong thì thả gà vào nuôi.

+ Bước 2: Sau khi thả gà vào chuồng 7 - 10 ngày đối với gà úm, 2 - 3 ngày đối với gà lớn thì xử lý bằng men.

+ Bước 3: Chuẩn bị bột men bằng cách trộn đều 1 kg BALASA N01 với 1 kg bộ sắn khô (cẩn thận khi dùng bột ngũ cốc khác vì dễ bị mốc gây nguy hiểm cho gà) .

+ Bước 4: Rắc đều hỗn hợp men trộn sắn lên toàn bộ bề mặt đệm lót.

b. Cách 2: Tiến hành nhân men sau đó mới rắc lên đệm lót

*. Công thức: 1 kg chế phẩm BALASA N01 rắc cho đệm lót từ 35 - 50 m2.

*. Cách làm:

+ Bước 1: Rải đều trấu lên toàn bộ nền chuồng có độ dầy 10 cm ( gà thịt), trên 15 cm (gà đẻ nuôi ở lổng tầng). Sau khi rải xong thì thả gà vào nuôi.

+ Bước 2: Sau khi thả gà vào chuồng 7 - 10 ngày đối với gà úm, 2 - 3 ngày đối với gà lớn thì xử lý bằng men.

+ Bước 3: Nhân men bằng cách trộn 1kg chế phẩm BALASA N01 với 3 kg bột sắn sau đó cho thêm khoảng 1,2 lít nước sạch, xoa cho ẩm đều (bột ẩm nhưng vẫn tơi rời mới đạt yêu cầu). Sau đó cho bột vào túi hoặc thùng đậy kín và để vào chỗ ấm ủ trên dưới 2 ngày. Khi nào bột có mùi thơm, hơi chua là đạt yêu cầu.

+ Bước 4: Rắc đều bột đã ủ (ở bước 3) lên toàn bộ bề mặt đệm lót.

c. Chú ý:

 Làm đệm lót có diện tích nền chuồng từ 35 - 50 m2 cần trộn BALASA N01 với bột ẩm, ủ chỗ ấm để lên men với mục đích làm tăng lượng men để có thể sử dụng cho diện tích chuồng nuôi rộng hơn, gảm chi phí men.

Nhưng nếu diện tích chuồng nuôi nhỏ hoặc không nuốn ủ men phức tạp thì rắc men thẳng như cách 1.

- Làm đệm lót bằng mùn cưa giống như làm bằng trấu. Nếu mùn cưa khô bụi thì phun nước sạch cho hơi ẩm, nhưng nếu nuôi gà bằng lồng thì không cần phun ẩm.

Ảnh: Lớp tập huấn sử dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gà tại Sơn La.

3. SỬ DỤNG, BẢO DƯỠNG

a. Chỉ cần rắc men 1 lần trong suốt quá trình nuôi, nhưng có thể định kỳ (trên 1 tháng /lần) bổ sung thêm chế phẩm BALASA N01 bằng cách đem 1kg chế phẩm BALASA N01 trộn với 2 kg bột sắn hoặc mùn cưa rồi đem rắc cho 50 m2 nền chuồng.

b. Cứ sau một vài ngày (tuỳ lượng phân nhiều hay ít) cào nhẹ trên bề mặt đệm lót một lần để giúp vùi phân và làm cho đệm lót được thông thoáng để phân được phân huỷ tốt hơn.

c. Chuồng nuôi phải thông thoáng để thoát mùi sinh ra từ quá trình tiêu huỷ phân.

d. Tránh để nước uống và nước mưa hắt vào làm ướt đệm lót. Nếu thấy nước mưa làm ướt đệm lót ở khu vực máng uống thì phải thay ngay bằng lớp trấu mới.

e. Đệm lót lên men có khả năng khử trùng tốt nên không cần phun thuốc khủ trùng định kỳ trên bề mặt đệm lót.

f. Vào tháng nóng nhất mùa hè phải có biện pháp chống nóng, mở cửa toàn bộ cho thông thoáng, làm đệm lót mỏng hơn để cho thoát hơi nuớc nhanh.

g. Nếu nuôi gà với mật độ thích hợp, phương pháp sử dụng và bảo dưỡng tốt thì đệm lót có thể kéo dài hàng năm nhưng cần chú ý định kỳ bổ sung thêm men.

h. Do nhiệt độ ở đệm lót luôn ấm nóng nên khi úm gà chỉ cần quây kín ở dưới khoảng 50cm còn phía trên để thoáng. Đặc biệt trong mùa nóng, khi úm gà cần treo đèn cao hơn để tránh nhiệt độ cao gây bốc hơi nước làm gà bị nhiễm lạnh, ẩm, dễ bị bệnh.

4. CHỐNG NÓNG

a. Mở cửa cho thông thoáng

b. Giảm độ dầy của đệm lót

c. Những tháng nóng nhất có thể ngừng sử dụng đệm lót.

5.LỢI ÍCH CỦA VIỆC SỬ DỤNG ĐỆM LÓT SINH THÁI TRONG CHĂN NUÔI GÀ

a. Làm tiêu hết phân do đó mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt không ô nhiễm.Vì vậy:

- Cải thiện môi trường sống cho người lao động

- Tạo cơ hội phát triển chăn nuôi ngay ở nơi dân cư đông đúc.

b. Sẽ không phải thay chất độn trong suốt quá trình nuôi do đó giảm tối đa nhân công dọn chuồng và nguyên liệu làm chất độn...

c. Giảm rõ tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt là bệnh tiêu chảy và bệnh hen. Giảm tỷ lệ chết và loại (gà đẻ 5%, gà thịt 2%). Vì vậy giảm công và chi phí thuốc trong việc chữa trị bệnh.

d. Tăng chất lượng đàn gà và chất lượng của sản phẩm

Úm gà trên đệm lót gà con khỏe mạnh, đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt sau này. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông tươi mượt và sạch, thịt chắc, thơm ngon, giảm tồn dư kháng sinh.

* Hoạch toán kinh tế: người chăn nuôi gà sẽ lợi:

- Môi trường không ô nhiễm.

- Giảm được công việc nặng nhọc trong việc thường xuyên thay chất độn, làm vệ sinh chuồng trại.

- Chi phí thuốc chữa bệnh giảm, sức sống của đàn gia cầm luôn khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, đo đó lợi nhuận tăng lên./.

Bài và Ảnh: KS.Lê Văn Khôi