00:00 Số lượt truy cập: 2668416

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP GIỮA HỘI ND VỚI SỞ KH&CN GIAI ĐOẠN 2011 - 2013 TẠI 20 TỈNH PHÍA NAM 

Được đăng : 03/11/2016

Ba năm qua, các cấp Hội đã quan tâm hơn đến công tác khoa học và công nghệ trong quá trình tổ chức, chỉ đạo phong trào nông dân và hoạt động của Hội. Thông qua hoạt động Câu lạc bộ, các hội viên nông dân được chia sẻ kinh nghiệm trong quá trính ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ, nâng cao được hiệu quả đầu tư. Sự phối hợp hoạt động đã thể hiện rõ nét và có hiệu quả.


Trung ương Hội giao Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh xây dựng các mô hình điểm về tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng truy cập Internet, kỹ năng xây dựng, quản lý và đánh giá dự án cho các chủ trang trại, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về quy trình sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP; trong đó:

Tổ chức tập huấn INTERNET cho 2400 lượt người tham gia nhằm giúp hội viên nông dân, cán bộ chi, tổ Hội nắm bắt kỹ năng truy cập khai thác sử dụng Internet trong việc tìm kiếm thông tin khoa học công nghê, quảng bá sản phẩm. Đến nay, tất cả những người được tập huấn đã biết truy cập mạng Internet.

Tổ chức tập huấn về kỹ năng xây dựng, đánh giá, quản lý dự án quy mô trang trại, gia trại cho 450 lượt người tham gia nhằm giúp hội viên, nông dân, cán bộ chi, tổ Hội biết xây dựng dự án, thực hiện vay vốn sản xuất và tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao.

Tổ chức 8 lớp VIETGAP cho 640 lượt người tham gia. Qua đó đã nâng cao nhận thức của người sản xuất, trách nhiệm của cán bộ Hội ở cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Phát hành 18số Bản tin Khoa học với Nhà nông nhằm cung cấp cho cán bộ, hội viên, nông dân (đến các xã trong khu vực) cập nhật thông tin về khoa học công nghệ, thành tựu khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, các mô hình, kinh nghiệm hay của hội viên nông dân cả nước trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân các tỉnh , thành phố với các Sở Khoa học và Công nghệ, trong 20 tỉnh, thành phố đã có 19 tỉnh ký kết chương trình phối hợp, còn lại 1 tỉnh chưa ký Theo số liệu báo cáo trong năm qua, các tỉnh, thành Hội trong khu vực đều có những chương trình, dự án phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ trong việc tổ chức các lớp tập huấn khoa học công nghệ cho nông dân, chuyển giao các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và cải thiện đời sống. Các tỉnh, thành Hội tập trung vào công tác tuyên truyền tới đông đảo hội viên, nông dân về vai trò của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền các mô hình điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất; trong đó có 9266 cuộc với 247951 người tham gia; xuất bản Bản tin Công tác Hội để tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, những kinh nghiệm hay trong quá trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong đó có 17 tỉnh đã xuất bản 35250 cuốn. Xây dựng được81 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, có sự tham gia của 5710 người.

Việc ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các mô hình khoa học công nghệ cũng được quan tâm của cấp ủy, chính quyền với sự tham mưu của Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ các loại giống lúa có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; ngoài ra còn có các dự án nuôi trồng nấm rơm, dự án trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, dự án hầm bioga và các dự án vườn, ao, chuồng kết hợp. Do vậy đã có 3408 lớp tập huấn với 62815 người tham gia và đã triển khai được 27 dự án có sự tham gia của 3600 hộ nông dân với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng. Thông qua các Chương trình, dự án hoàn thiện được quy trình, kỹ thuật, kế thừa giải pháp tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh để mở rộng mô hình tại các địa phương khác. Khai thác nguồn kinh phí từ địa phương các tổ chức khác để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với các cơ quan khuyến nông, Hội Nông dân các tỉnh để tổ chức các lớp huấn luyện để nâng cao năng lực cho nông dân trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Qua đó hỗ trợ các nhóm nông dân nâng cao năng lực trong công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa... Các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ đã mang lại sản phẩm có chất lượng cao, góp phần nâng caothu nhập cho người dân so với sản xuất theo phương pháp thông thường. Đồng thời thúc đẩy sự hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, phát triển nông nghiệp sạch và bền vững; nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật cho nông dân; tạo ra một nghề mới cho nông dân, từ đó giải quyết thêm việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu và ổn định an ninh, chính trị - xã hội trên địa bàn nông thôn. Thông qua dự án, nông dân sẽ thay đổi tập quán sản xuất, giảm thiểu sử dụng hóa chất, thuốc thú y, thủy sản độc hại, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Có được những kết quả trên đây trước hết là do Chương trình đã có sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo hai ngành; sự nỗ lực, cố gắng của Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành; sự ủng hộ, giúp đỡ của các ngành có liên quan và đặc biệt là sự tham gia tích cực của hội viên, nông dân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình phối hợp vẫn còn một số hạn chế. Đó là, một số tỉnh, thành Hội còn chậm trễ, chưa thành nề nếp, nhất là việc xây dựng kế hoạch nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm. Sự phối hợp hoạt động giữa Sở Khoa học & Công nghệ và Hội Nông dân một số tỉnh, thành còn thiếu chặt chẽ, thậm chí còn hình thức, không có hiệu quả thiết thực, cụ thể. Một số địa phương còn chưa ký kết được nội dung phối hợp hoạt động giai đoạn II, cũng như chưa phối hợp được trong việc tổ chức, kiểm tra các cấp tham gia tổ chức thực hiện Chương trình. Mặc dù còn có những hạn chế, nhưng với những kết quả trên đây cho phép chúng ta khẳng định Ch­­ương trình phối hợp đã và sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc đưa khoa học kỹ thuật và công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân.