00:00 Số lượt truy cập: 2662372

Kết quả khảo sát tại Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HND ngày 25/7/2006 về đẩy mạnh công tác Khoa học và Công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam 

Được đăng : 03/11/2016

Kết quả khảo sát tại Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HND ngày 25/7/2006 về đẩy mạnh công tác Khoa học và Công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam góp phần thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn (giai đoạn 2006 - 2016).


I. Công tác tổ chức thực hiện.

Thực hiện Kế hoạch số 107-KH/HNDTW ngày 11/01/2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về Sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HND ngày 25/7/2006 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam “Về đẩy mạnh công tác Khoa học và Công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam góp phần thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn”, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức sơ kết đánh giá từ cấp cơ sở đến cấp huyện, tiến hành sơ kết ở cấp tỉnh. Mọi hoạt động đều được kiểm tra chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Trung ương Hội.

Đoàn khảo sát đã làm việc với Ban chấp hành Hội Nông dân 1 xã để nghe báo cáo và trao đổi một số nội dung cần quan tâm.

Đoàn Khảo sát làm việc với Ban Thường vụ của Hội Nông dân tỉnh để nghe và trao đổi về công tác lãnh, chỉ đạo của Ban Thường vụ, công tác tham mưu của các Ban, đơn vị và công tác tư vấn của Hội đồng khoa học cơ quan Hội Nông dân tỉnh.

II. Một số kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện của Ban chấp hành, Ban Thường vụ.

1.1. Thành lập Hội đồng khoa học cơ quan do đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/HND ngày 25/7/2006 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tháng 4 năm 2009 Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Hội đồng KH&CN Hội Nông dân tỉnh gồm 9 đồng chí, đồng chí Chủ tịch làm chủ tịch Hội đồng, đồng chí Phó Chủ tịch làm Phó Chủ tịch Hội đồng, giao cho Ban Kinh tế - Xã hội là bộ phận thường trực giúp việc cho hội đồng. Ngay sau khi được thành lập, Hội đồng khoa học đã xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng, phân công rõ trách nhiệm các thành viên trong Hội đồng tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của ngành và của cơ quan. Các thành viên hội đồng thuộc các lĩnh vực như kinh tế nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, bảo vệ thực vật. Hội đồng KH&CN đã duy trì hoạt động thường xuyên, tham mưu giúp cho Chủ tịch Hội đồng và Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ KH & CN; đồng thời lựa chọn, đề xuất các đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, các đề tài, mô hình cấp cơ sở đăng ký với Hội đồng khoa học cấp tỉnh. Những năm đầu thực hiện nghị quyết cũng gặp nhiều khó khăn, vì hoạt động khoa học và công nghệ là nhiệm vụ mới mẻ của các cấp Hội, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ, nghị quyết đã từng bước đi vào cuộc sống, nâng cao vai trò của các cấp hội trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

1.2. Xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo.

Ban Thường vụ, Hội đồng Khoa học & Công nghệ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động tham mưu xây dựng trên 30 văn bản chỉ đạo tới các cấp Hội Nông dân thực hiện như: Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân với Sở KH&CN giai đoạn 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020, kế hoạch hoạt động cho từng năm; Kế hoạch, các văn bản chỉ đạo Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ I đến lần thứ VI, các văn bản hướng dẫn các Ban tỉnh Hội và các huyện, thành Hội đăng ký các đề tài, sáng kiến hàng năm... Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết được quan tâm thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, do vậy hoạt động khoa học của các cấp hội 10 năm qua đã được cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá cao, góp phần xây dựng tổ chức Hội và các phong trào nông dân vững mạnh và phát triển bền vững.

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân các cấp thấy rõ được vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông dân nông thôn; tạo động lực mạnh mẽ và có khả năng thu hút sự quan tâm của cấp ủy chính quyền cũng như các đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc.

2. Một số kết quả thực hiện

2.1. Phối hợp tổ chức học tập nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ

Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức 2 lớp Đại học chuyên ngành chăn nuôi thú y và phát triển nông thôn cho 140 người tham dự là chi hội trưởng, chủ tịch, phó chủ tịch các cơ sở Hội. Hàng năm phối hợp tập huấn nghiệp vụ công tác hội cho 100% cán bộ từ chi Hội trưởng trở lên. Thành lập và duy trì hoạt động tốt 32 câu lạc bộ (CLB) “Khoa học kỹ thuật nhà nông” với trên 2000 thành viên tham gia. Từ các chương trình của Trung ương Hội và của Sở KH&CN, trong những năm qua đã phát huy tốt 11 máy vi tính nối mạng Internet cho các CLB. Giai đoạn 2011-2015, đã tổ chức 15 lớp tập huấn công nghệ thông tin cho trên 1.000 người là các chi hội trưởng nông dân các thôn làm điểm xây dựng nông thôn mới, Ban chủ nhiệm các CLB về kỹ năng điều hành hoạt động CLB, kiến thức khoa học công nghệ mới, kỹ năng truy cập thông tin trên mạng.

2.2. Công tác ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho nông dân

Hội Nông dân các cấp thực hiện các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT được chọn lọc phù hợp với từng địa phương và đã được nông dân nhiệt tình hưởng ứng, và đã tập trung chuyển giao các tiến bộ trong việc áp dụng công nghệ vi sinh, các tiêu chuẩn VIETGAP trong trồng trọt và chăn nuôi tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.

Thông qua các mô hình chuyển giao KHKT giúp cho nông dân biết cách tận dụng các chất thải nông nghiệp thành sản phẩm có lợi cho kinh tế, xã hội và môi trường. Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao mức sống trong cộng đồng ở nông thôn.

Hội đồng KH&CN Hội Nông dân đã phối hợp tích cực với Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông của tỉnh, tổ chức phát động hội viên nông dân tham gia hưởng ứng cuộc thi; tham gia đánh giá, phân loại và chấm các giải pháp dự thi. Kết quả năm 2009, có 22 giải pháp tham dự hội thi cấp tỉnh và Ban tổ chức đã chọn được 01 giải nhất, 01 giải nhì; 02 giải ba và 03 giải khuyến khích để trao giải. Đồng thời, đã chọn các giải pháp có chất lượng cao gửi tham dự hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 3 của tỉnh và cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ III do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

2.3. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học

Hàng năm, Hội đồng KH&CN Hội Nông dân tỉnh đã phát hành các văn bản chỉ đạo đến các ban, các huyện, thành hội, giao chỉ tiêu thi đua cho các tập thể và cá nhân trong tổ chức Hội đăng ký các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để Hội đồng xét duyệt, lựa chọn đăng ký.

Sau 10 năm thực hiện, kết quả như sau:

Đề tài nghiên cứu khoa học phát triển được triển khai 15, trong đó cấp tỉnh có 9 và cấp huyện có 6 đề tài.

Dự án khoa học và công nghệ: đã triển khai 8 dự án cấp tỉnh.

Tổ chức Cuộc thi sáng tạo Kỹ thuật Nhà nông có 31 giải pháp giải cấp tỉnh; trong đó có 4 giải pháp đạt giải cấp Trung ương Hội.

Ngoài ra Hội Nông dân tỉnh thường xuyên làm tốt công tác củng cố phát triển bộ máy thực hiện công tác khoa học công nghệ; gắn công tác khoa học và công nghệ với các phong trào thi đua và công tác xây dựng tổ chức hội.

III. Đánh giá chung.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HND ngày 25/7/2006 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam “Về đẩy mạnh công tác Khoa học và Công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam góp phần thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn”, công tác KH&CN nói chung, việc thực hiện các đề tài, dự án khoa học nói riêng đã thúc đẩy khá toàn diện công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Bắc Giang, tạo sự chuyển biến quan trọng về mọi mặt, thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức những mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VI, VII đề ra... góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội làm việc tại HND tỉnh Bắc Giang

Việc xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ KHKT mới, có hiệu quả được sự hưởng ứng tích cực từ phía các hộ nông dân. Các lớp tập huấn đã giúp hội viên nông dân có thêm những kiến thức mới về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi đúng kỹ thuật, làm thay đổi nhận thức, tập quán, cách làm của nông dân; nâng cao năng lực và trình độ thâm canh cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng. Đồng thời việc hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình đạt hiệu quả cao giúp nông dân định hướng sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật mới, những kinh nghiệm hay vào sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập cho gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế ở địa phương, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh chất lượng cao./.