00:00 Số lượt truy cập: 2637288

Khấm khá từ mô hình "đa cây, đa con" kết hợp nghề phụ 

Được đăng : 03/11/2016
Kinh tế gia đình của anh Thạch Lợi ở Cà Mau chỉ khá lên từ khi anh quyết định theo đuổi mô hình trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, kết hợp với nghề phụ.

Anh Thạch Lợi người Khmer, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) kể, từ năm 1980, vợ chồng anh ra ở riêng với vốn liếng ban đầu "mười công ruộng đất trũng, mọc toàn cây năng, lau sậy". Vất vả tối ngày, vợ chồng vẫn không đủ ăn, ruộng chỉ làm một vụ lúa. Năm 1995, là bước ngoặt chuyện làm ăn, khi anh xin tham gia hoạt động chi hội nông dân xã. Từ đó, gia đình anh bước đầu tiếp cận cách nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trên đồng ruộng.


Việc đầu tiên gia đình anh tập trung cải tạo vườn tạp, đào ao thả các loại cá đang bán chạy trên thị trường như cá bổi, thác lát, rô... Bên cạnh đó, từ diện tích đất ngập nước thường xuyên, anh chị thuê lao động phát sạch lau, sậy, trồng mới các loại cây ăn quả như chuối, dừa, mãng cầu, đu đủ; còn lại thâm canh các loại hoa màu. Bấy giờ, tính chuyện lâu dài, anh Thạch Lợi trồng thêm trăm bụi tre, trúc nơi vùng đất xấu bạc màu.


Mấy năm qua đi, mầu xanh cây lá dần phủ quanh khu vườn gia đình. Có nguồn thức ăn cho chăn nuôi, anh chị đầu tư khu chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt. Mỗi năm xuất chuồng hơn một tấn lợn thịt và hàng trăm gà, vịt, cộng thêm thu lãi từ ruộng lúa, để dành hơn 30 triệu đồng.


Tự tin đi đúng hướng, nông dân Thạch Lợi dành tiền nhận thuê thêm 15 công ruộng của bà con chòm xóm. Ấy vậy, anh vẫn trăn trở điều phải làm gì trên thửa ruộng cho hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhiều vùng quê khác trong tỉnh, điều kiện không hơn Khánh Bình Ðông, vậy mà mỗi năm làm hai vụ lúa, mỗi vụ thu "ngon" hơn 30 giạ lúa, đi trước xã mình. "Họ làm được thì sao mình lại không? Có lẽ mình tìm chưa hết cách". Anh nghĩ thế. Từ xưa tới nay, đất trong ấp 7 gồm 27 hộ dân Khmer trú ngụ, chủ yếu vùng trũng, ruộng nối ruộng mà vẫn chưa có bờ bao quanh. Làm được điều đó, phải hô hào anh em, bà con cùng làm. Ðược mọi người ủng hộ, anh Thạch Lợi vận động hội viên nông dân đắp hai đầu kênh; người góp máy bơm, người góp máy trục, người không có máy móc thì góp công sức, góp kinh phí.


"Ðúng là ông trời không phụ lòng người", anh Thạch Lợi bộc bạch như vậy. Từ chỗ năng suất thu về thấp, nay mỗi năm mỗi công đất thu trung bình 25 giạ lúa. Hằng năm gia đình anh bán hơn 1.000 giạ lúa, thu hơn 40 triệu đồng. Hàng chục gia đình bà con trong ấp đời sống được cải thiện từ công trình kênh dẫn nước.


Anh Thạch Lợi bàn gia đình chuyển hướng khôi phục nghề phụ, tạo thêm việc làm lúc gối vụ. Nghề lờ lưới lâu nay bị bỏ quên, nay được gia đình anh một mặt đầu tư ít phụ liệu, và sẵn nguồn tre trúc đến kỳ khai thác. Nhờ khéo tay làm ra sản phẩm bền, đẹp, mỗi năm, khoảng 15 nghìn chiếc lờ của gia đình anh được bà con nhiều xã trong và ngoài huyện mua dùng. Riêng năm 2005, do nhu cầu càng tăng, anh Thạch Lợi bán hơn 150 kg lưới, gần 34 nghìn chiếc lờ. Năm năm qua, trừ chi phí, tiền lãi thu về từ tiền bán lờ, lưới của gia đình anh là 130 triệu đồng; tính tổng thu nhập cộng cả chăn nuôi, trồng trọt, thu về hơn 200 triệu đồng, giúp hơn 10 lao động có việc làm ổn định.


Gia đình anh Thạch Lợi trích phần tiền lãi đóng góp cùng bà con trong ấp tham gia cuộc vận động "Quỹ vì người nghèo", đóng góp dựng bảy nhà tình thương, nhà đại đoàn kết tặng bà con hoàn cảnh khó khăn. Gia đình anh vừa ủng hộ 10 triệu đồng giúp đỡ bà con bị thiệt hại do thiên tai.


Xã Khánh Bình Ðông là một trong bốn xã của huyện Trần Văn Thời nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Xã có 250/3.000 hộ bà con đồng bào Khmer, hầu hết theo đạo Phật, đến nay tại 15 ấp vẫn còn hơn 900 hộ thuộc diện nghèo. Nơi vùng đất nghèo khó, thành tích của gia đình nông dân Thạch Lợi góp phần xây dựng phong trào ở địa phương. Năm 2004 anh được UBND tỉnh Cà Mau công nhận "Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh". Liên tiếp nhiều năm qua, anh được Hội Nông dân tỉnh, huyện công nhận danh hiệu "Nông dân sản xuất giỏi".