00:00 Số lượt truy cập: 2638386

Khánh Hoà: Tìm lối ra cho nghề nuôi tôm sú 

Được đăng : 03/11/2016
Nghề nuôi tôm sú ở Khánh Hòa những năm 2000 trở về trước là nghề "hái ra tiền". Thời kỳ này tôm sú đã giúp nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng. Họ đổ xô vào nuôi tôm sú. Nhiều người bỏ cả ruộng vườn, thành thị ra đìa nuôi tôm. Thời kỳ cao điểm nhất, diện tích tôm sú nuôi của Khánh Hòa đã vượt con số 5.000 ha.





Nhưng rồi, từ năm 2001 trở về đây con tôm sú cũng làm cho nhiều gia đình "khuynh gia, bại sản“; nhà cửa, đồ đạc của nhiều gia đình cũng "đội nón" ra đi cùng tôm sú. Cho đến bây giờ, nhiều gia đình vẫn còn nợ như "chúa chổm", vì nuôi con tôm sú bị thua lỗ nặng.

Đứng trước tình hình trên, ngành thủy sản Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Thủy sản 3 (NCTS3) đi tìm nguyên nhân cho sự "xuống dốc này". Sau 2 năm đi tìm "thủ phạm", Viện NCTS3 cho biết: nguyên nhân chính của tình trạng trên là do ô nhiễm môi trường nuôi. Mà "thủ phạm" chính là con người, do thiếu sự hiểu biết và quá bừa bãi trong quá trình nuôi tôm.

Theo Viện NCTS3 thì cứ trung bình mỗi năm, mỗi ha tôm sú nuôi thải ra môi trường trên dưới 2 tấn chất thải, gồm phân, vi sinh vật chết và các dư lượng thức ăn, thuốc và các loại hóa chất. Các loại này tích tụ dưới dạng trầm tích lâu ngày, nên đã phát sinh mầm bệnh cho tôm. Cùng với các loại thức ăn dư thừa, phân tôm, còn có các loại vôi bột, thuốc tím và các loại hóa chất khác như: saponin, chlorin của các chủ nuôi cải tạo ao đìa lâu ngày lắng đọng không được thải loại làm biến đổi độ pH và hệ sinh thái đất và nước khu vực nuôi tôm.

Do quá lạm dụng các chất sát trùng của người nuôi tôm, như vậy đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường nuôi tôm, do hình thành nhiều độc tố bất lợi cho tôm, dẫn đến tình trạng tôm chậm lớn, hoặc chết hàng loạt.

Xác định được nguyên nhân trên, gần đây những người nuôi tôm sú ở Khánh Hòa đã cơ bản tìm được lối ra cho nghề nuôi tôm sú. Các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nuôi như: thận trọng trong quá trình sử dụng hóa chất và các loại vật tư để cải tạo ao đìa, tăng cường vệ sinh môi trường nuôi tôm không dùng hóa chất, tăng cường nuôi tôm sú trong môi trường tự nhiên, xử lý ngay những thức ăn dư thừa không để tích đọng lâu ngày trong ao đìa nuôi v.v...

Nhờ vậy, gần đây nghề nuôi tôm sú ở Khánh Hòa đang có chiều hướng khôi phục. Năm nay, trong tỉnh đã nuôi thả được hơn 4.000 ha tôm sú, tuy giảm 2,4% so với năm ngoái (vì thận trọng trong việc mở rộng diện tích nuôi tôm), nhưng sản lượng tôm thu hoạch được 4.258 tấn, tăng 21,7%, bởi nguyên nhân tôm ít bị bệnh và tăng trưởng nhanh.