00:00 Số lượt truy cập: 2666792

Khi dân đất chè xoay sang trồng... nấm 

Được đăng : 03/11/2016
Từ một đề tài khoa học đến việc triển khai ứng dụng vào thực tiễn là một con đường đầy gian nan và thử thách. Hành trình đưa sản xuất nấm hàng hoá về xã miền núi Văn Yên, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên phản ánh điều này.

Cán bộ Huyện uỷ tự gây quỹ vận động

Tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2004- 2007 đã được Bộ Khoa học – Công nghệ phê duyệt 2 dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất nấm hàng hóa” và “Xây dựng mô hình sản xuất thâm canh chè gắn với cơ sở chế biến đạt hiệu quả kinh tế cao tại huyện Đại Từ”.

Trên tinh thần đó, UBND huyện Đại Từ đã xây dựng dự án “Sản xuất nấm thực phẩm và nấm dược liệu trên địa bàn huyện”, nhằm đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất nấm, đồng thời chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động

Chị Trương Thị Huệ, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ nói: huyện có 34 xã, điều kiện phát triển nông nghiệp tốt, chủ yếu là trồng chè, phát triển công nghiệp còn hạn chế. Toàn huyện có 3/31 xã có khoáng sản (than Núi Hồng, mỏ đá kim Núi Pháo trữ lượng lớn). Vì chủ trương khai thác khoáng sản và mở rộng khu du lịch Hồ Núi Cốc nên hơn 1000 hộ phải chuyển đổi lao động.

Lãnh đạo huyện nhận định: chuyển đổi nghề khác thì phụ thuộc rất nhiều vào phí đào tạo, độ tuổi, trình độ lao động… và sẽ rất khó khăn. Chuyển giao khoa học và công nghệ trồng nấm là hướng đi đúng hướng, phù hợp mọi người dân, mọi lứa tuổi, lại tận dụng được nguyên vật liệu địa phương. Quyết tâm của dân bắt nguồn từ quyết tâm của cán bộ, của lãnh đạo.       

Ban chủ nhiệm dự án Sản xuất nấm của huyện ra đời do đích thân Phó Chủ tịch huyện làm Trưởng ban, ưu tiên tập trung đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, chế biến và xử lý phế thải làm phân bón, xử lý ô nhiễm môi trường… Huyện “cắm” 7 cán bộ kỹ thuật của huyện về đào tạo tập trung và tập huấn kỹ thuật tại chỗ cho các hộ nông dân. Huyện hỗ trợ kinh phi xây dựng lò hấp nguyên liệu, mua giống nấm sản xuất thử, hỗ trợ sản xuất, xây dựng lán trại…

Mỗi cán bộ Huyện ủy đều sẵn sàng đóng góp 7 triệu đồng vào quỹ hỗ trợ. Công tác tuyên truyền, vận động nông dân đã tạo một bước chuyển về nhận thức. Chị Huệ nói vui “Nhiều khi xã phải vận động theo kiểu mưa dầm thấm lâu trên loa phát thanh để bà con nhận thức dần, hiểu rõ hơn về việc trồng nấm.

Dân vùng chè đang nghĩ đến một tương lai mở rộng nghề này theo mô hình trang trại, hợp tác xã hướng tới cung cấp sản phẩm cho các địa phương và xuất khẩu

Kết quả ban đầu

Toàn huyện Đại Từ đã có hơn 100 hộ ở các xã Văn Yên, Vạn Thọ, Lục Ba, Tân Thái, Minh Tiết… sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, nấm Linh chi, mộc nhĩ, nấm hương…tiêu tốn khoảng 300 tấn rơm rạ khô và hơn 100 tấn mùn cưa.


Cán bộ khoa học hướng dẫn kỹ thuật
cho một hộ trồng nấm tại xã Văn Yên.

Riêng xã Văn Yên, Huyện chủ trương xây dựng làng nghề trồng nấm. Vụ đông năm 2006, toàn xã có 58 hộ sản xuất nấm mỡ  (đạt 70 tấn nguyên liệu rơm rạ khô), năng suất bình quân 300kg nấm tươi trên một tấn nguyên liệu.

Với giá bán nấm tươi trung bình 12.000đ/ kg, nông dân đã “bén duyên”nghề mới.

Gia đình chị Ngô Thị Hương, xã Văn Yên, xóm dưới 2, là một hộ trồng nấm điển hình. Bế cháu nhỏ trên tay, chị cho biết: Anh Lưu Sĩ Nguyên (chồng chị) đang đi miền Nam mua mùn cưa cao su để trồng nấm Linh chi. Chỉ với một lán trại khoảng 100m², vợ chồng chị thu được 40 triệu đồng/năm từ các loại nấm.

“Ban đầu thiếu vốn phải đi vay. Anh Trương Mạnh Kiểm, Phó chủ tịch UBND huyện rất khuyến khích và bỏ cả tiền túi 5 triệu đồng cho chúng tôi vay. Lãnh đạo huyện rất quan tâm. Chúng tôi sẽ xây dựng nơi đây thành làng nghề trồng nấm”

Nhà anh Nguyễn Văn Thi, hộ mới vào nghề trồng nấm, nhưng chỉ một lán rộng 50m² đã thu lợi năm triệu đồng/vụ (ba tháng). Anh Thi tin tưởng : “Nghề trồng nấm Văn Yên sẽ phát triển với chủ trương đúng đắn và sự hỗ trợ kỹ thuật tích cực của các nhà khoa học.”

Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật thuộc Viện Di truyền nông nghiệp là nơi cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. Với giá 6.000đ/kg, Viện luôn đảm bảo mức thu nhập tối thiểu 30.000đ/ ngày cho người dân khi giá thị trường xuống. Còn khi giá tăng người dân được tự do bán theo giá thị trường. Viện cử hai kỹ sư là Lưu Quốc Thắng và Nguyễn Mạnh Nhật thường xuyên “cắm chốt” tại xã, tới từng hộ dân hướng dẫn kỹ thuật trồng và bảo quản nấm như: giữ độ ẩm, vận hành lò sấy, cách phơi…

Bí thư Đảng ủy xã Văn Yên Ngô Ngọc Thanh nói: “Ban đầu đi tham quan mô hình ở Nam Định, chúng tôi không tin sẽ thành công. Nhưng với quyết tâm của lãnh đạo huyện, cã ra “nghị quyết” mỗi đảng viên góp 50kg rơm để làm gương.

Và thế là làm nấm- một nghề mới, một tư duy làm ăn mới đã ra đời trên đất “chiến khu chè” bước đầu đã cho kết quả. Người dân chấp nhận, thị trường chấp nhận, sản phẩm tại địa phương đã không cung cấp đủ cho thấy một triển vọng khả quan để đưa nơi đây thành một vùng sản xuát hàng hoá, thậm chí có thể xuất khẩu.

Từ những mùn cưa, rơm rạ; từ sự đồng thuận, đồng lòng, trên mảnh đất này, nấm đã lên ngôi.