00:00 Số lượt truy cập: 2637715

Khí thải trong chăn nuôi - nguồn năng lượng hữu ích 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tỉnh Tiền Gang phát triển rất mạnh. Do đó vấn đề ô nhiễm môi trường từ nước và chất thải trong chăn nuôi rất đáng báo động. Để khắc phục vấn đề này và hướng đến chăn nuôi bền vững, nông dân tỉnh Tiền Giang đã và đang thực hiện chương trình xây dựng hầm biôgas bảo vệ môi trường. Được biết, chương trình này rất hữu dụng không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi mà qua sáng tạo của nông dân đã tạo ra nguồn năng lượng quý giá cần thiết cho cuộc sống.


Không sợ cúp điện hay hết gas đó là lời khẳng định của ông Trần Văn Bé Ba (tại xã Tam Hiệp - huyện Châu Thành ). Vì tuy sống ở vùng nông thôn nhưng gia đình ông đã có đủ nguồn năng lượng này trong sinh hoạt.

Từ năm 1997 khi đầu tư chăn nuôi theo kiểu trang trại, ông Bé Ba nghĩ ngay đến việc xây hầm biôgas để xử lý ô nhiễm môi trường. Do đó từ một hầm biôgas có thể tích 15m3 đến nay ông xây thêm một hầm nữa có thể tích tương tự. Có hầm biôgas ông lại nghĩ đến việc tận dụng nguồn khí thải lớn này để làm chất đốt thay cho dầu carol, gas và tạo ra nguồn điện sinh hoạt cho gia đình. Đặc biệt máy phát điện nổ còn phục vụ cho việc sử dụng môtơ tắm làm vệ sinh đàn heo. Từ ngày có hầm biôgas, gia đình ông có nguồn năng lượng rất dồi dào và tiết kiệm được khoản chi phí hàng trăm ngàn đồng/tháng.

Hiện nay, đa số các hộ dân chăn nuôi ở Tiền Giang đều phát huy được hiệu quả của chương trình khí sinh học. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà hộ dân xây dựng hầm biôgas có thể tích khác nhau với kinh phí tối thiểu khoảng 03 - 04 triệu đồng. Nếu đàn heo từ 10 con heo trở lên thì hầm biogas có thể tạo ra một nguồn năng lượng lớn. Tính trung bình ở mỗi xã, thị trấn có xây trên 30 hầm biôgas. Anh Nguyễn Công Uẫn xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo cho biết, trước đây, gia đình anh phải vất vả và tốn tiền mua củi để nấu thức ăn cho gia đình, cho đàn heo nhưng từ ngày xây hầm biôgas, gia đình anh đã tận dụng làm chất đốt cho nấu nướng. Với hiệu quả như thế trong nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang đã triển khai các dự án khí sinh học để giúp nông dân xây hầm biôgas. Trung bình mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ một triệu đồng. Ông Bùi Ngọc Phùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Tiền Giang cho rằng xây dựng hầm biôgas để khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là mới đạt 50% yêu cầu. Từ lượng khí thải này, con người phải biết khai thác, xử lý tạo ra năng lượng hữu ích. Do đó hướng tới Trung tâm Khuyến nông tiếp tục tranh thủ kinh phí để hỗ trợ nông dân xây hầm biôgas.

Hầu hết các nhiên liệu như xăng, dầu, gas, và điện ngày càng khan hiếm và giá cả càng gia tăng. Vì thế việc tận dụng hầm biôgas tạo ra nguồn năng lượng đang khan hiếm là cần thiết. Ở xã Long An, huyện Châu Thành có thanh niên trẻ Bùi Hoàng Lan đã sáng chế ra các loại máy phát điện từ khí thải biôgas. Đến nay, mặt hàng này đang bán rất chạy vì rất có hiệu quả. Ông Nguyễn Thới Lai, cán bộ Hội Nông dân xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành tâm tư: Hiện nay, nhu cầu xây hầm biôgas của nông dân rất lớn, nếu được Nhà nước hỗ trợ vốn thì chúng tôi sẽ vận động nông dân nhân rộng mô hình này.....

Toàn tỉnh tiền Giang hiện nay có hơn 600.000 con gia súc và gần 04 triệu con gia cầm. Trong đó có 100% mô hình chăn nuôi trang trại đều có lắp đặt hầm biôgas. Nếu nhân rộng và phát huy được chương trình khí sinh học trong từng hộ chăn nuôi thì sẽ tạo ra nguồn năng lượng lớn. Lúc đó thì việc tiết kiệm điện, gas hay xăng, dầu thực hiện rất hiệu quả và nằm trong tầm tay của nông dân.