00:00 Số lượt truy cập: 3036771

Kích thị trường nội bằng “đòn bẩy” nông dân 

Được đăng : 03/11/2016
Chương trình “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn” khởi động từ hôm 8-3 mang ý nghĩa đặc biệt: Giúp doanh nghiệp trong nước khắc phục điểm yếu trong khâu bán hàng tại phân khúc thị trường chiếm hơn 70% tổng doanh thu bán lẻ

5 giờ ngày 8-3, từ điểm tập kết hàng ở TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), đội bán hàng của 10 doanh nghiệp (DN) gồm Công ty Nhôm Kim Hằng, Công ty Cổ phần Thực phẩm Vissan, Công ty TNHH Ba Huân, Công ty Mỹ Hảo, Công ty Dầu Tường An, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty Cổ phần Phú Nhuận (Maseco), Công ty Namilux, Siêu thị Co.opMart và Siêu thị Vinatex khởi hành đến ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Đây là điểm đến đầu tiên của chương trình “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) tổ chức nhằm kích cầu thị trường nội địa, góp phần vực dậy nền kinh tế.

Chi mạnh tay!

Nhãn hàng riêng cho thị trường nông thôn

Ông Bùi Duy Đức, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết: Đưa hàng về nông thôn đã được Vissan xem là mục tiêu chiến lược. Chúng tôi còn có chiến dịch làm cho người tiêu dùng hiểu được Vissan sẵn lòng phục vụ nông dân bằng cách sản xuất nhãn hàng riêng giá rẻ hơn từ 10% - 15%, phù hợp với khẩu vị của từng vùng, miền”, ông Đức nói. Hiện nay, Vissan đã có nhà máy ở Khu Công nghiệp Kim Sơn (tỉnh Bắc Ninh) để sản xuất nhãn hàng riêng cho miền Bắc và sẽ tiếp tục phát triển mô hình này ở các khu vực khác.

Trên bãi đất trống gần chợ Vĩnh Bình, chỉ sau 20 phút chuẩn bị, những chiếc xe tải nhỏ của các DN đã trở thành quầy bán hàng dã chiến. Không cần phải quảng cáo, ngay lập tức, các gian hàng đã thu hút rất đông lượng khách đến mua sắm. Phần lớn các DN đều có chương trình bán hàng với giá ưu đãi như Công ty Vissan giảm 10% giá sản phẩm, Mỹ Hảo giảm 15% và có quà tặng, Kim Hằng tặng một thau inox cho tất cả khách mua hàng. Namilux còn tặng một cuốn sách hướng dẫn nấu ăn cho khách hàng...


Điều khiến đoàn bất ngờ là người tiêu dùng nông thôn sẵn sàng chi mạnh tay khi mua sắm. Sau một vòng rảo quanh chợ, bà Hai Mót (ở xóm 4, ấp Vĩnh Lộc) chi ngay 700.000 đồng để mua bếp gas, nước xả quần áo, xúc xích bắp Vissan... Bà nói: “Hồi sáng, ngang đây nghe tin có các DN uy tín về bán hàng, tui chạy về nhà lấy 1 triệu đồng. Mua mới hết 700.000 đồng, xách về một chuyến rồi quay ra mua tiếp”. Chị Võ Thị Kim Xuyến, nhà ở kênh Cũ, mua nước tẩy quần áo, nước rửa chén Mỹ Hảo và một bộ nồi nhôm Kim Hằng. Theo chị Xuyến, dù chi gần 400.000 đồng nhưng hài lòng vì chọn được bộ nồi ưng ý. Có những mặt hàng mang về nông thôn bán tưởng như “chở củi về rừng” nhưng kết quả lại rất khả quan. Đó là “trứng Ba Huân”, nông dân vẫn mua ào ào!


Bài học lớn từ xe hàng nhỏ

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, quản lý đề án bán hàng về nông thôn của BSA, mục tiêu chính của chương trình này là để người tiêu dùng nông thôn tiếp cận được với hàng chính hãng, thúc đẩy người tiêu dùng chọn hàng của các DN trong nước. Điều quan trọng nữa là qua chuyến đi, nhiều DN đã tiếp cận được các chợ vùng sâu để rút ra bài học kinh doanh quý. Đại diện Công ty Dầu Tường An thừa nhận: Độ bao phủ sản phẩm dầu Tường An còn quá mỏng, chỉ có 10% sạp ở chợ Vĩnh Bình có sản phẩm Tường An; trong khi đó, trước chuyến đi này, công ty ước tính tỉ lệ này là 50%. Tương tự, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc bán hàng khu vực Nam Mê Kông của Công ty Mỹ Hảo, cho rằng: “Chúng tôi đã rút ra được cách làm là phải đeo bám các điểm bán lẻ, đổ hàng thường xuyên. Để đứt hàng đồng nghĩa với tự tiêu diệt thương hiệu”. Chuyến khảo sát cũng buộc nhôm Kim Hằng đối diện với thực tế: Dù là thương hiệu có tiếng ở thành thị nhưng tại nông thôn, thị phần của Kim Hằng là con số không; rất nhiều tiểu thương muốn đặt hàng trực tiếp từ công ty nhưng không biết cách nào.

Tại các chợ Cần Đăng, Vĩnh Hanh, Vĩnh Thành, cầu số 10 (huyện Châu Thành); Tà Đảnh, Tri Tôn (huyện Tri Tôn), 30% tiểu thương vẫn phải tự đi mua hàng thương hiệu VN do không biết nhà phân phối ở đâu. Bên cạnh đó, dù là vùng sâu, vùng xa, các DN VN khó tiếp cận nhưng hàng Trung Quốc vẫn tràn ngập. Chất lượng hàng Trung Quốc thua hàng VN nhưng nông dân phải mua vì họ không có lựa chọn nào khác. Đây cũng là bài học về kênh phân phối mà các DN trong nước phải nghĩ đến.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, ngoài các DN tiên phong bán hàng tận tay nông dân kể trên, rất khó thuyết phục DN VN nói chung đẩy mạnh hàng về khu vực này. Nguyên nhân là do đa số DN chỉ chú trọng doanh thu trước mắt nên tập trung đẩy mạnh hàng vào hệ thống siêu thị. Trong khi đó, trên thực tế doanh thu từ siêu thị chỉ chiếm khoảng 2%, còn lại là doanh thu từ kênh truyền thống và nhiều nhất vẫn là từ nông thôn (70%).

Chương trình trên mới thử nghiệm, các DN liên kết cùng làm để tiết kiệm kinh phí. Kết quả của chương trình sẽ được báo cáo lên Bộ Công Thương để xem xét hỗ trợ kinh phí cho các DN VN vượt khó.