00:00 Số lượt truy cập: 2668698

Kích thích cá lăng vàng rụng trứng không dùng kích dục tố 

Được đăng : 03/11/2016

ThS. Bùi Thanh Tuấn (Đại học Nha Trang) đã thành công trong việc gây rụng trứng cho cá lăng vàng (Hemibagrus nemurus) mà không dùng kích dục tố cũng như các hoạt chất có nguồn gốc peptid khác, cho thấy có thể đưa vào thực tiễn sản xuất cá giống ở nước ta một kỹ thuật không truyền thống nhưng hứa hẹn có hiệu quả cao hơn.


Trong sản xuất hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, để kích thích cá cái rụng trứng, phần then chốt trong kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá, kỹ thuật viên phải dùng kích dục tố như HCG (lấy từ nước tiểu phụ nữ có thai), tuyến yên, còn được gọi là não thùy từ cá, hoặc Gn RHA+domperidon (Dom từ viên thuốc Motilium). Trừ domperidon, tất cả các hoạt chất còn lại nói trên đều có bản chất là protein hoặc peptid; chúng dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ cao (khoảng trên 400C), bởi vi khuẩn và nấm. Vì thế, các hoạt chất trên cần được bảo quản trong điều kiện vô trùng (lọ hoặc ampul kín hoàn toàn, đã mở ra, phải dùng hết) và nhiệt độ thấp (tủ lạnh).

Vừa qua, ThS. Bùi Thanh Tuấn (Đại học Nha Trang) trong nghiên cứu đề tài luận văn cao học của mình đã chứng minh là có thể gây rụng trứng với kết quả khả quan cho cá lăng vàng (Hemibagrus nemurus) bằng những chất không phải là protein hay peptid, dễ sử dụng và bảo quản, có chi phí không cao hơn những hoạt chất truyền thống.

Cụ thể là sau liều sơ bộ bằng domperidon (Dom, dopamin antagonist) liều quyết định bằng 17,20 P (17 alpha, 20 bêta-dihydroxy-4-pregnen-3-one), một chất steroid, có thể cho cá lăng vàng cái rụng trứng róc đến 80%. Nếu so sánh với các phương pháp dùng HCG hay GnRHA, sử dụng 17,20 P cho tỷ lệ trứng thụ tinh, tỷ lệ cá nở, tỷ lệ cá bố mẹ tái thành thục và hệ số thành thục của chúng là cao nhất.

Việc sử dụng 17,20 P và Dom trong kích thích cá rụng trứng cả về lý thuyết và thực tiễn cho thấy, đây là một tổ hợp chất kích thích cá rụng trứng có triển vọng ở Việt Nam - một nước nhiệt đới và nơi cá có thể sinh sản nhiều lần trong năm. Ngoài những ưu điểm trên, trong khi có thể chịu đựng được nhiệt độ rất cao, 1000C, nhiệt độ mà các hoạt chất có chuỗi peptid bị hủy hoại hoàn toàn, 17,20 P có thể phát huy tác dụng sinh học ở 130C, nhiệt độ mà các loại hormon của động vật có máu nóng (khoảng 370C) không còn hoạt tính. Điều này cho phép các nhà sản xuất ở miền Bắc cho ra cá bột từ đầu vụ sinh sản, khi nhiệt độ nước còn khá thấp. 17,20 P không bị phân hủy bởi vi khuẩn và nấm - rất thuận lợi để bảo quản trong điều kiện các trại cá ở nước ta.

Việc kích thích sinh sản bằng 17,20 P và Dom, không dùng kích dục tố cũng như các hoạt chất có nguồn gốc peptid khác trên cá lăng vàng, sau những thí nghiệm thành công của Nguyễn Thị Yến Linh, Diệp Hồng Phước và Nguyễn Tường Anh trên cá chép 2006, một lần nữa cho thấy, có thể đưa vào thực tiễn sản xuất giống cá ở nước ta một kỹ thuật không truyền thống nhưng hứa hẹn có hiệu quả cao hơn.