Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, cây lúa những năm qua phần lớn đã tổ chức sản xuất tập trung theo hợp tác xã, mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn theo hướng VietGAP. Trên cơ sở này, tỉnh tiếp tục duy trì và quy hoạch khu công nghệ cao sản xuất lúa hàng hóa năng suất, chất lượng cao vùng Tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên; lúa hữu cơ vùng sản xuất U Minh Thượng, với mô hình lúa - tôm.

Tiếp đến, ngoài diện tích hồ tiêu Phú Quốc hiện nay khoảng 500 ha, phát triển thêm vùng hồ tiêu huyện Gò Quao khoảng 300 ha, tạo ra sản phẩm tiêu hạt phục vụ tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và phát triển du lịch sinh thái vườn tiêu. Cùng với đó, cây ăn quả, chủ lực là cây xoài, quy hoạch phát triển ở huyện Hòn Đất và vùng sản xuất U Minh Thượng; cây chuối ở huyện U Minh Thượng, định hướng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu; quy hoạch, phát triển diện tích khóm (dứa) khoảng 3.000 ha ở huyện Gò Quao. Rau an toàn, rau sạch quy hoạch trồng ở thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và Phú Quốc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khu vực đô thị.

Đối với con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, quy hoạch, đầu tư nuôi công nghiệp trên vùng Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng; tôm - lúa hữu cơ với hai đối tượng chủ lực là tôm sú, tôm càng xanh quy hoạch phát triển ở vùng sản xuất U Minh Thượng. Nuôi sò, cua vùng ven biển; nuôi cá bớp, bóng mú vùng quanh đảo, quần đảo phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, đầu tư phát triển sản phẩm mật o­ng ở khu rừng phòng hộ, rừng sản xuất vùng U Minh Thượng để cung cấp mật cho thị trường các nước Châu Âu đang có nhu cầu lớn.

“Trên cơ sở định hướng quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, phối hợp với các sở, ngành hữu quan và địa phương rà soát lại tổng quan các khu, vùng này, xây dựng kế hoạch, phương án trình diễn các mô hình. Đồng thời, tham khảo, học tập kinh nghiệm các khu nông nghiệp công nghệ cao của thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành trong nước để triển khai thực hiện, sản xuất hiệu quả. Thực hiện các chính sách ưu đãi, mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tổ chức hội thảo khoa học về vấn đề này” - ông Tâm cho hay.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh, đảm bảo chất lượng của người tiêu dùng trong nước và thế giới ngày một lớn hơn thì quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi tất yếu, cấp thiết. Nông nghiệp công nghệ cao của Kiên Giang vừa đảm bảo chủ động sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả, khai thác tốt tài nguyên đất đai, mặt nước, vừa tạo ra các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực, đặc trưng, chất lượng, sức cạnh tranh cao cho Kiên Giang. Cùng với đó, thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân bằng chuyển giao quy trình canh tác công nghệ tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập trong phát triển kinh tế gia đình./.

Lê Huy Hải/TTXVN