00:00 Số lượt truy cập: 2662897

Kinh nghiệm phòng chống rét cho trâu bò 

Được đăng : 03/11/2016

Trâu bò là đông vật ưa nhiệt độ cao, trung bình của trâu bò từ 29 -  35 độ C. Nếu trâu bò bị lạnh sẽ làm giảm các cơ quan chức năng như: tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn…. Đặc biệt là hệ thần kinh bị ảnh hưởng rất lớn và khi nhiệt độ quá lạnh có thể dẫn đến mắc một số bệnh và dễ gây tử vong. Do vậy việc chủ động phòng chống rét cho trâu, bò luôn được đề phòng đối với các tỉnh phía Bắc.



1. Chuẩn bị chuồng nuôi: 

Chuồng nuôi làm ở nơi cao ráo, cách xa lửa, nhà ở, đường giao thông lớn, chuồng làm theo hướng Bắc - Nam để đảm bảo mát mùa hè, ấm mùa đông. Xung quang chuồng được xây hoặc che kín cao hơn trâu bò khoảng 1m, bên trên làm sàn để thức ăn dự trữ (Rơm, rạ, cỏ khô); để phòng mùa đông giá rét thiếu thức ăn, đồng thời làm chuồng ấm khi mùa đông. Xung quanh chuồng làm nhiều cửa sổ cho thông thoáng. Nền chuồng luôn đảm bảo khô thoáng, không đọng nước. Thường xuyên dọn vệ sinh chuồng trại; định kỳ phun thuốc khử trùng từ 2-3 tuần một lần. Sử dụng một số loại thuốc sát trùng tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trước khi dùng. Chuồng nuôi trâu bò nên có ô thoáng phía trên để gió vẫn lưu thông. Khi đốt lửa sưởi, khói sẽ theo lỗ thoáng ra ngoài, không tích khí độc trong chuồng khiến trâu bò hít phải.

2.Chuẩn bị thức ăn cho trâu, bò: 

Tháng 8 hàng năm khi thức ăn xanh nhiều (cỏ, than cây ngô, đậu…) còn tươi, bà con nên ủ chua, ủ xanh làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa, tranh thủ thời tiết thuận lợi bà con lấy rơm rạ phơi thật khô đánh thành đống cao, chất trên sàn chuồng để làm thức ăn dự trữ cho mùa đông giá rét. Chuẩn bị các loại thức ăn tinh như cám ngô, cám gạo, bột sắn, rỉ mật để ủ rơm rạ cho trâu bò ăn vụ đông. Mỗi con trâu, bò trưởng thành cần chuẩn bị từ 200 kg -  250 kg thức ăn tinh, từ 400 kg - 450 kg thức ăn thô (rơm, cỏ voi, thức ăn ủ chua).

3.Chống rét cho trâu, bò:

Dùng rơm, rạ, cỏ, bẹ ngô, trấu xay khô để lót nền chuồng, độ dày của lớp độn lót dầy từ 5 đến 10 cm. Dùng trấu xay, củi để đốt sưởi. Dùng bạt, ni lông, che xung quanh chuồng. Dùng chăn, áo, bao tải gai để làm áo chống rét. Bà con có thể sử dụng các tấm chăn, áo, bao tải gai đã cũ để làm áo chống trét cho trâu bò. Nghiêm cấm dùng các loại vật liệu khác để đắp lên cơ thể trâu, bò. Những ngày rét dưới 15 độ C thì để gia súc ở chuồng, không cho đi chăn thả sớm…, đưa trâu bò ra ngoài chăn thả sau 9 giờ sáng, khi thời tiết không có mưa phùn, gió lạnh và cho trâu bò về chuồng trước 5 giờ chiều để tránh rét. Nếu nhiệt độ dưới 13 độ để trâu bò ở chuồng cho ăn thức ăn dự trữ. Trâu bò cần được mặc áo ấm trước khi đưa ra ngoài chăn thả.

4. Khẩu phần thức ăn và nước uống cho trâu bò những ngày rét:

Những ngày rét đậm, rét hại cần cho trâu bò tăng lượng thức ăn so với những ngày nhiệt độ bình thường để tăng sức đề kháng; đối với thức ăn thô cho ăn đủ no, sau đó cho ăn thức ăn tinh bổ sung, cần cho ăn 2 kg - 2,5 kg/con/ngày; uống đủ nước ấm có pha muối với tỷ lệ 0,3% và nước gừng tươi. Ngoài ra cần chú ý bổ sung vitamin tổng hợp và muối khoáng.

5. Sưởi ấm chống rét: Khi nhiệt độ xuống dưới 13 độ cần sưởi ấm cho trâu bò bằng cách dùng trấu xay, củi đốt lửa chống rét. Khi đốt lửa chống rét cần chú ý đặt đống lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào trâu bò và phòng bén lửa gây cháy chuồng trâu bò.

6. Chống rét bằng áo cho trâu bò: Khi nhiệt độ dưới 13 độ thì dùng các loại bao tải gai, chăn dạ làm áo chống rét cho trâu bò, chiều dài áo phủ từ thân đến hết đuôi, chiều ngang vừa đủ choàng qua thân, các dây buộc thắt dưới bụng.

7. Phòng chống một số bệnh cho trâu bò:

Chủ động tiêm vacxin phòng chống các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Theo dõi sức khoẻ vật nuôi hàng ngày, nếu phát hiện dấu hiệu bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở để điều trị bệnh kịp thời. Trong thời gian rét kéo dài trâu bò hay mắc bệnh sưng khớp, đi lại khó khăn có thể dùng gừng giã nhỏ hoà với rượu để xoa bóp, cho trâu bò vận động quanh chuồng để tăng cường tuần hoàn máu, tránh hiện tượng co cứng khớp./.