00:00 Số lượt truy cập: 2668640

Kinh nghiệm phòng trừ bệnh phấn trắng hại cây cao su 

Được đăng : 03/11/2016

1. Nguyên nhân:


Bệnh phấn trắng hại cây cao su do nấm Oidium heveae Steinm, có tên khác Acrosporium  heveae (Steinm) Subramanian, loại nấm này gây hại cho cây cao su ở mọi lứa tuổi từ vườn nhân, ươm đến vườn cây cao su khai thác thường gây nặng nhất ở giai đoạn cao su bắt đầu ra lá mới vào mùa Xuân, đặc biệt là những năm trời lạnh, có sương mù nhiều tạo ẩm độ không khí cao.Nấm này tấn công chồi non và hoa gây chết chồi và giảm tỷ lệ đậu trái.

Bệnh gây rụng lá nhiều đợt, làm chậm tốc độ sinh trưởng của cây. Nếu nặng có thể làm chết cành, chết cây làm chậm thời gian khai thác, làm giảm sản lượng mủ rất nhiều.

2. Triệu trứng:

Lá có màu nâu và xanh nhạt là giai đoạn mẫn cảm nhất (1-10 ngày), sẽ bị rụng hàng loạt nếu gặp thời tiết lạnh và có sương mù, sau giai đoạn này lá không bị rụng mà để lại các vết bệnh với nhiều dạng loang lỗ có màu nâu trên phiến lá.

Sau khi bị nấm xâm nhiễm 7-10 ngày, nhiều bào tử hình thành trên vết bệnh có bột màu trắng ở hai mặt lá và nhiều trên mặt dưới lá. Lá rụng từng lá chét một để trơ cuống, sau đó những cuống này cũng bị rụng. Nếu lá không bị rụng, toàn bộ phiến lá bị biến dạng và chuyển qua màu vàng nhạt.

Bệnh làm rụng lá nhiều lần gây chết cành nhất là đối với vườn ươm và vườn KTCB, cũng như giảm sinh trưởng và sản lượng, do việc cạo lại chậm bởi mất diện tích quang hợp và cây tập trung dinh dưỡng để tái tạo tầng lá mới.

3. Phòng trừ:

Để hạn chế tác hại của bệnh, cần áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách đồng bộ và hợp lý trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Nếu chỉ phun thuốc thì khó có thể đem lại hiệu quả mong muốn. Sau đây là một số biện pháp chính.

- Ở những vùng thường bị bệnh gây hại nặng hàng năm, nên trồng các dòng vô tính có sức đề kháng với bệnh cao hơn như: PB 86, PB 260, PB 310, PR 255, RRIC 100... 

- Bón đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân, kali vào thời kỳ cao su bắt đầu ra lá mới để giúp tầng lá sớm ổn định. Những vùng thường bị bệnh gây hại nhiều, nên tăng cường thêm kali bằng cách phun bổ sung phân bón lá cao cấp Multi-K để tăng khả năng chống chịu bệnh của cây.

- Thường xuyên thu gom những bộ phận bị bệnh (lá chét, cuống lá…) rụng trên mặt vườn đem tiêu hủy để hạn chế bệnh lây lan.

- Trong thời kỳ cây cao su thay lá, cần kiểm tra vườn cây thường xuyên (đặc biệt là những thời gian trời lạnh, đêm và sáng sớm có nhiều sương mù), để sớm phát hiện và phun thuốc phòng trị bệnh kịp thời, chú ý những vườn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hoặc những vườn năm trước đã bị bệnh gây hại nặng.

Ở các vườn cây có nguy cơ nhiễm bệnh cao hoặc những vườn cây năm trước đã nhiễm bệnh, căn cứ vào sự ra lá mới để quyết định xử lý bằng cách phun thuốc trực tiếp lên cây ngay trong mùa bệnh từ 3 đến 6 lần, với chu kỳ 7-10 ngày/lần.

Loại thuốc có hiệu quả sử dụng khá phổ biến hiện nay là Sulox 80WP: phun thuốc Sulox trong giai đoạn chồi đọt chuẩn bị cho đợt lá đầu tiên hoặc khi phát hiện có dấu hiệu bệnh, nồng độ là 2 - 2,2‰ (từ 2kg đến 2,2kg thuốc thành phẩm trên 1.000 lít nước).

Muốn thuốc có hiệu quả cao bà con phải phun thuốc sớm, ngay khi đợt lá đầu (của 10-15% số cây đầu tiên ra chồi mới) còn ở dạng búp. Sau đó, tùy theo tình hình thời tiết và mức độ bệnh nhiều hay ít, mà phun thêm khoảng 3-4 lần nữa (mỗi lần cách nhau khoảng 10 ngày). Nếu bảo vệ tốt đợt lá này, sẽ giảm bớt nguồn bệnh trên vườn cây, các đợt lá kế tiếp sẽ ít bị bệnh hơn.