00:00 Số lượt truy cập: 2660189

Kinh nghiệm trị bệnh lở mồm long móng ở gia súc 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh lở mồm long móng (Foot and Mouth Disease - FMD) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan rất nhanh, rất mạnh và rất rộng của các loài guốc chẵn như: trâu, bò, dê, cừu, lợn.


Mặc dù bệnh xuất hiện thường nhẹ, tỷ lệ tử vong thấp nhưng thiệt hại về kinh tế rất lớn do gia súc bị bệnh mất sức sản xuất, giảm tăng trọng, sảy thai, giảm sản lượng sữa, chi phí cho việc dập dịch quá lớn. Virus lở mồm long móng có thể gây ra các ổ dịch rộng lớn, có tính chất quốc gia và châu lục. Động vật thụ cảm có tỷ lệ mắc bệnh cao gần như 100%.

Virus lở mồm long móng có tính hướng thượng bì, vì vậy sau khi xâm nhập qua vết thương trên da hoặc niêm mạc đường tiêu hóa, virus sẽ nhân lên trước tiên ở nơi xâm nhập, hình thành các mụn nước sơ phát (thường không phát hiện được vì con vật còn khỏe mạnh). Sau đó virus xâm nhập vào mạch bạch huyết, các tổ chức lympho và lan vào các phủ tạng vào máu. Khi máu bị nhiễm trùng, con vật bị sốt. Do tính hướng thượng bì, virus theo máu xâm nhập vào các tế bào thượng bì non đang phân chia mạnh như xoang miệng, kẽ móng, núm vú con cái, ở đầu mõm lợn và hình thành các mụn nước thứ phát. Mụn này phát triển to ra và nhô lên, dịch chứa trong đó hơi đục nhưng không bao giờ sinh mủ. Sau khi mụn vỡ ra không để lại sẹo do lớp thượng bì tầng Malpighi hoàn sinh nhanh chóng. Chỉ có các mụn nước sau khi vỡ bị nhiễm khuẩn mới tạo ra vết loét, sinh mủ và gây hoại tử. Các loại vi khuẩn kế phát này gây những quá trình  bệnh lý cục bộ, đôi khi gây bại huyết làm suy yếu hoặc gây chết con vật. Một số trường hợp bị thoái hóa cơ tim, làm con vật bị trụy tim, chết; tim có vằn (tiger heart).

Virus lở mồm long móng gây ra cho những vật bệnh qua khỏi một trạng thái miễn dịch chủ động, miễn dịch này có thể kéo dài tời 2 năm. Tuy vậy, những con khỏi bệnh vẫn có thể mắc lại ngay sau khi khỏi đó là do nhiễm phải 1 typ hay 1 subtyp lờ mồm long móng mới mà cơ thế con vật này chưa có miễn dịch.

Ở nước ta, gia súc mắc bệnh lở mồm long móng ít bị chết, nếu chú ý bồi dưỡng, chăm sóc và điều trị tốt thì bệnh chóng khỏi.

* Chăm sóc hộ lý: giữ chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, cho ăn thức ăn mềm, có chất lượng, uống nước sạch.

* Điều trị các mụn loét

Chữa kịp thời ngay lúc bệnh mới phát, tránh cho con vật bị nhiễm trùng và bị các biến chứng nguy hiểm.

- Với vết loét ở miệng: dùng các dung dịch chua, chát như formol 1% axit axetic 2%, thuốc tím 1%, axit xitric 1%, phèn chua 1% để rửa miệng hàng ngày. Có thể dung nước vắt của quả khế, quả chanh, nước sắc lá ổi cũng cho kết quả tốt.

- Với vết loét ở móng: rửa sạch móng, vết loét bằng dung dịch nước muối 10% rồi dùng bài thuốc sau bôi vào vết loét:

Nước lá ổi sắc: 500ml

Phèn xanh (CuSO4): 50g

Nghệ: 100g

Bột Sulfamid: 150g

Giã nhỏ phèn xanh, nghệ hòa với nước lá ổi bôi vào vết loét sau đó rắc bột sulfamid.

Có thể bôi các dung dịch sát trùng: Iod 5%; formol 1%.

Với mụn loét ở vú: bôi các dung dịch sát trùng nhẹ  như xử lý với mụn loét ở miệng.

* Chữa triệu chứng và trợ tim mạch

Con vật bị bệnh thường mệt nhọc, giảm sức đề kháng và có thể có biến chứng vào tim nên cần tiêm các loại thuốc trợ tim như cafein, spartein và các vitamin B1, vitamin C./.