00:00 Số lượt truy cập: 2658257

Kinh nghiệm xử lý lúa xuân trổ bông sớm 

Được đăng : 03/11/2016
Xin giới thiệu kinh nghiệm xử lý hiện tượng lúa trổ bông sớm của bà con nông dân Hiệp Hoà- Bắc Giang.







Những ruộng lúa cấy sâu, không bón lót đạm, bón thúc đạm muộn rất có nguy cơ có đòng trong tháng 3 hoặc trổ bông sớm trước 25/4.


Một số biện pháp khắc phục:


- Cần bón thúc sớm đạm và kali cho những trà lúa này, với thời tiết ấm như năm nay có thể bón sau khi cấy 12-15ngày. Bón đạm kết hợp với kali loại tốt theo tỷ lệ: 2 đạm/1kali.


- Lượng bón cụ thể, nếu chưa bón lót đạm, kali khi cấy thì bón 5-8kg đạm urê + 3- 4 kali sun phát hay kali clorua tuỳ vào chân ruộng tốt hay xấu.


- Với loại đất cát pha, nếu bón lượng lớn đạm, kali (trên10kg/sào) nên bón làm 2 lần, cách nhau 5 ngày, để hạn chế độ pH của ruộng giảm đột ngột làm lúa bị "sót phân" gây vàng lá lúa. Có thể bón mỗi sào 10-20kg NPK(12:5:10) của Lâm Thao + 2kg urê. Phun chế phẩm A-H502 với loại đất chua nhẹ đến kiềm (pH: 5,5-8,0) và A-H, NH với loại đất phèn, chua mặn, phun 3-4 lần, mỗi lần cách nhau 5- 7ngày, từ khi lúa hồi xanh. Các chế phẩm này kích thích bộ rễ phát triển nhanh, ức chế quá trình phát triển (làm đòng), kích thích quá trình sinh trưởng thân lá, đẻ nhánh khoẻ.


Nếu lúa xuân có đòng trong tháng 3, kinh nghiệm là không nhổ bỏ lúa có đòng, tiếp tục bón lượng đạm, kali (tỷ lệ: 2đạm/1kali) cao và phun các chế phẩm A-H, K-H, N-H như hướng dẫn ở trên. Những dảnh lúa có đòng sẽ trổ bông và tiếp tục đẻ nhánh mạnh, trổ bông lần 2 vào 15-25/5 vẫn cho năng suất tới 40tạ/ha. Thực tế cho thấy những ruộng nào phá bỏ, nếu gieo thẳng, gieo vãi lúa trổ bông vào đầu tháng 6, gặp nhiệt độ cao, nhiều loại sâu, bệnh hại sẽ thất thu lớn.


- Những ruộng lúa trổ bông vào khoảng 15-25/4 cần phun thêm chế phẩm Multy-K (13:0:46) 2-3lần khi có đòng và lúc lúa xuôi trái, cung cấp kịp thời kali, đạm qua lá để tăng lượng hạt chắc trên bông.


- Chú ý phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông nếu khi lúa trổ bông gặp gió mùa đông Bắc muộn, nhiệt độ <28 độ C, trời âm u thiếu ánh sáng, độ ẩm không khí cao do có mưa phùn, mưa nhỏ hay mưa rào. Dùng một trong các loại thuốc trừ bệnh đạo ôn tác động nội hấp đặc hiệu có tên thành phẩm (thương phẩm) sau: Fujione 40EC; Triozole 20WP; Beam 20-75WP; FILIA- 525EC; Kabim 30WP; TP-Zep 18EG. Các loại thuốc này sau khi phun 4 giờ toàn bộ thuốc ngấm vào dịch cây qua lá, gặp mưa to không cần phun lại. Thuốc có hiệu lực kéo dài, ngăn ngừa không cho nấm bệnh xâm nhập và trừ nấm bệnh đạo ôn sau khi phun 15-20 ngày. Cách phun: Phun 1 lần, trước khi trổ bông 5-7 ngày nếu gặp nắng, ấm khi trỗ và phun lại lần 2 nếu khi lúa trỗ bông gặp gió mùa đông bắc muộn lúc lúa xuôi trái.