00:00 Số lượt truy cập: 2668352

Kon Tum: Công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ 

Được đăng : 03/11/2016

Chiều 24/8, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức họp báo công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ.


Dự họp báo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lại Xuân Lâm; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum Y Ngọc; lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài tỉnh.


Quang cảnh họp báo. Ảnh PE

Báo cáo tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum Trần Thị Tuyết cho biết, ngày 16/8/2016, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ có Quyết định số 3235/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” số 00049 cho sản phẩm sâm củ tại khu vực địa lý các xã Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) và xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam); cùng ngày, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 3239/QĐ-SHTT cấp phó bản Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lí số 00049 cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam.

Báo cáo nêu rõ: Cây Sâm Ngọc Linh là loài cây thuốc “giấu” của đồng bào Xê Đăng, được Đoàn điều tra dược liệu của Ban dân y Khu V phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam; đến năm 1985, sâm Ngọc Linh được xác định là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L., họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv. Hiện nay, cây sâm Ngọc Linh trong tự nhiên hầu như bị khai thác cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng và thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam.

Nhận thức về giá trị kinh tế, xã hội, khoa học và môi trường của cây sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã xác định đây là cây hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong những năm qua, tỉnh đã phối hợp với các nhà khoa học triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Với Hội thảo phát triển cây sâm Ngọc Linh (tổ chức năm 1997), tỉnh đã đề ra định hướng và xây dựng Đề án phát triển loài dược liệu quý hiếm này, ban hành các chính sách ưu tiên để phát triển cây sâm thành sản phẩm hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống của người dân tại vùng phân bố sâm tự nhiên; thông qua các ch­ương trình, dự án đã giao đất khoán rừng, tuyên truyền về giá trị của cây sâm, hạn chế việc khai thác bừa bãi…. Đến nay, trong nhân dân đã có những chuyển biến về mặt nhận thức và nhiều hộ gia đình đã bắt đầu đư­a cây sâm vào trồng với qui mô gia đình.

Từ năm 2001, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, kỹ thuật trồng và quy hoạch phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Kon Tum”; bư­ớc đầu đã khôi phục vư­ờn sâm giống có khả năng cung cấp giống mở rộng qui mô, sâm giống được giao cho từng hộ gia đình trồng, chăm sóc, quản lý và đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ gia đình sống ở vùng núi Ngọc Linh. Thực hiện dự án Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2014 của Chính phủ (năm 2004), tỉnh Kon Tum đã đầu tư đường ô tô vào đến khu vực trồng sâm và mở rộng diện tích vườn sâm giống lên hơn 7.84 ha. Cùng với đó, năm 2006, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề tài "Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh", tiến hành nhân giống in vitro cây Sâm Ngọc Linh và trồng thử nghiệm cây sâm nuôi cấy mô ra tại xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) và ở Bidunop Núi Bà (Lâm Đồng); kết quả đề tài bước đầu cho thấy cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô đã sinh trưởng và phát triển  tốt trên những vùng có hệ sinh thái đặc trưng tương đồng với các điều kiện sinh thái của cây sâm Ngọc Linh sống ngoài tự nhiên.

Theo quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2025 tại Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 của UBND tỉnh Kon Tum: Tổng diện tích quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh là 31.742,8ha thuộc địa bàn 02 huyện ĐăkGlei và Tu Mơ Rông (trong đó, quy hoạch vùng đệm có diện tích là 14.754,5 ha có độ cao từ 1.200m-1.500m, quy hoạch vùng lõi là 16.988,3ha có độ cao từ 1.500m trở lên); Mục tiêu cụ thể: đến năm 2020, diện tích trồng trên địa bàn tỉnh đạt 1.000ha, với sản lượng ước tính 190 tấn, tạo thương hiệu Quốc gia về Sâm Ngọc Linh; tầm nhìn đến năm 2025, trồng hết diện tích khoảng 9.343,6ha theo quy hoạch với quy mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800ha, đưa cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum.

Bên cạnh việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, từ năm 2006, tỉnh Kon Tum đã liên hệ với Cục Sở hữu Trí tuệ để được hướng dẫn các thủ tục thực hiện dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của địa phương. Năm 2014, tỉnh Quảng Nam cũng đã hoàn thiện dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ tỉnh.

Sau khi hoàn thành dự án, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trương hợp nhất hai dự án thành một hồ sơ đăng ký đứng tên hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam; đến nay các thủ tục đã hoàn chỉnh và đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” số 00049 cho sản phẩm sâm củ tại khu vực địa lý các xã Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) và xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam); chỉ dẫn địa lý này được bảo hộ vô thời hạn trên lãnh thổ Việt Nam kể từ ngày ký.

Việc sản phẩm sâm củ Ngọc Linh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý mở ra cho tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam nhiều triển vọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, về lâu dài có thể đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh ra thị trường trong và ngoài nước với quy mô lớn, không bị mất đi nguồn gốc địa lý; tính đặc thù về chất lượng sản phẩm và tên gọi xuất xứ; đảm bảo sâm củ Ngọc Linh là hàng hóa chiến lược của Việt Nam nói chung và cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh nói riêng.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lại Xuân Lâm cho thông báo, ngày 26/8/2016 tới, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" số 00049 của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm tuyên truyền đến các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh về giá trị cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước, địa phương về công tác bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh.

Đến nay, tỉnh Kon Tum đã trồng được gần 320 ha sâm Ngọc Linh. Theo quy hoạch của UBND tỉnh về phát triển sâm Ngọc Linh, đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn sẽ đạt 1.000 ha, với sản lượng ước tính 190 tấn. Đến năm 2025, sẽ mở rộng trên 9.000 ha với qui mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800 ha và từng bước trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác. Với hướng đi và lộ trình phát triển sâm Ngọc Linh theo đúng quy hoạch, hy vọng sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum và tiến tới đa dạng hóa nhiều sản phẩm tinh chế từ sâm Ngọc Linh để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu./.

Nguyễn Phi Em