00:00 Số lượt truy cập: 2662269

Kỹ thuật gieo trồng súp lơ 

Được đăng : 03/11/2016
Xin giới thiệu với bà con kỹ thuật gieo trồng súp lơ.

1. Đặc tính sinh học:

Súp lơ có tên khoa học là Brasica cauliflora Lizg. Thực phẩm của Súp lơ là toàn bộ phần hoa chưa nở. Bộ phận này mềm, xốp không chịu được mưa nắng.

Súp lơ có bộ phận lá rất phát triển so với su hào, nhưng bộ rễ phát triển kém hơn nhiều, ăn nông (ở lớp đất 10 - 15 cm) và ít lan rộng, bán kính hoạt động của bộ rễ chỉ 35 - 50cm. Vì thế tính chịu hạn, chịu nước kém.


2. Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh

a) Yêu cầu nhiệt độ:

Súp lơ là loại cây 2 năm, chịu được lạnh; nhiệt độ thích hợp nhất cho sinh trưởng và phát triển là 15o - 18oC. Từ 25oC trở lên cây mọc kém, chậm, mau hóa già, hoa súp lơ bé và dễ nở. Trái lại ở giai đoạn súp lơ đang ra hoa nếu nhiệt độ dưới 10oC hoa lơ cũng bé phẩm chất kém, vì thế giai đoạn này nếu gặp gió mùa đông bắc cần có biện pháp che phủ, chống rét cho súp lơ.

b) Yêu cầu ánh sáng:

Ở thời kỳ cây con cần nhiều ánh sáng, sau khi bộ lá đã phát triển đầy đủ rồi thì yêu cầu ánh sáng lại giảm đi. Ngày dài rút ngắn sự sinh trưởng và phát triển của súp lơ. Khi ra hoa yêu cầu ánh sáng nhẹ mới đạt năng suất và phẩm chất cao.

c) Yêu cầu về độ ẩm:

Súp lơ được xếp vào loại rau ưa ẩm. Nếu độ ẩm không khí thấp nhiệt độ không khí cao, đất lại không đủ ẩm (dưới 50 - 60% độ ẩm đồng ruộng) thì hoa bé, chóng già , năng suất thấp.

Nếu độ ẩm không khí cao (trên 90%) kết hợp với nhiệt độ cao thì hoa dễ thối.

Độ ẩm đất trên 90% súp lơ dễ bị các vi khuẩn hại bộ rễ.

Độ ẩm thích hợp là 50 - 80% độ chứa ẩm đồng ruộng.

d) Yêu cầu chất dinh dưỡng:

Súp lơ ưa đất thịt nhẹ, nhiều mùn, có độ pH = 6,0. Súp lơ cần lượng phân bón gấp đôi so với cây cải bắp, đến 70 - 75% lượng chất dinh dưỡng tập trung vào thời kỳ làm hoa. Vì thế bón thúc rất có hiệu lực.

3. Kỹ thuật gieo trồng súp lơ:

a) Các giống phổ biến :

Có hai loại:

- Súp lơ đơn (hay sớm) : Để trồng vụ sớm. Giống này lá nhỏ, dài, trên mặt phiến lá có lớp phấn trắng, mỏng, ngù hoa trắng, gạo nhỏ, mặt mịn, mỏng, ăn ngon, nặng từ 1- 2 kg

-Súp lơ kép (hay đoạn): Để trồng vụ chính và muộn. Cây lùn, hoa to, nặng từ 1,5 - 3 kg, màu trắng ngà (trắng sữa), lá mỏng và bầu, hơi nghiêng về một phía, nõn tía.

Ngoài ra còn trồng loại súp lơ xanh của Nhật Bản. Khác với loại súp lơ thông thường có hoa màu trắng hoặ trắng ngà, loại súp lơ này cả cuống lẫn ngù hoa đều có màu xanh đậm như màu lá, gạo hoa nhỏ, mặt hoa thưa không mịn, nhưng ăn ngọt và ngon, chịu nhiệt tốt hơn loại súp lơ trắng.

b) Thời vụ gieo trồng:

- Vụ sớm: gieo tháng 7, tháng 8, trồng tháng 8 - 9.

- Vụ chính: gieo tháng 10 - tháng 12, trồng tháng 11 - 12.
Trước khi đem gieo, ngâm hạt vào nước nóng 50oC trong 25 - 30 phút để diệt các nấm bệnh bám ở vỏ hạt giống, đồng thời tăng tỷ lệ mọc của hạt khi gieo. Lượng hạt gieo trên 1m2 khoảng 3,5 - 4g (1 ha gieo 400g đến 600g). Sau khi gieo hạt phải tưới giữ ẩm từ 65 - 70%. Chú ý che mưa nắng cho cây giống.

Riêng đối với súp lơ vụ sớm sau khi cây con mọc được 15 - 18 hôm thì phải đem giâm. Đất giâm súp lơ vụ sớm cũng làm luống như lúc gieo hạt, cây cách cây 5 - 6 cm theo hình nanh sấu. Chú ý: nên giâm vào buổi chiều để cây đỡ héo, mau bén rễ. Giâm xong tưới nước giữ ẩm ngay. Cây giống giâm được 20 - 25 ngày thì nhổ đem trồng.

c) Làm đất bón phân lót:

Luống rộng 0,90 - 1m: vụ sớm làm luống cao, hình mui luyện, vụ muộn và chính làm luống thấp và phẳng.

Bón lót cho 1 ha: phân chuồng ủ hoai 40 tấn.

Phân đạm urê 50 kg.

Phân lân 25kg.

Phân kali 70kg.

Phân chuồng, phân lân và kali trộn đều nhau rồi theo hốc trồng là tốt nhất. Mỗi hốc bón từ 800g đến 1.000g. Bón xong đảo đất cho đều.

d) Trồng súp lơ:

Trồng hàng kép nanh sấu trên luống với khoảng cách 60 x 50cm hoặc 40 x 50 cm (21.000 - 23.000 cây trên 1 ha); khoảng 750 - 820 cây/sào). Tuổi cây giống khoảng 40 - 50 ngày (khi cây giống có 5 - 6 lá). Chọn cây to, mập, lá xanh, gốc đỏ, không bị dị hình để đem trồng.

e) Chăm sóc súp lơ:

Xới vun và tưới nước: Sau khi trồng phải được tưới nước mỗi ngày 2 lần vào buổi sớm và chiều mát, trong 7 - 8 ngày liền (dùng ô doa có lỗ nhỏ, tưới nhẹ và đều). Sau đó cứ hai ngày tưới một lần để giữ độ ẩm điều hòa khoảng 70- 80%.

Khi thấy cây đã chéo nõn (các lá nõn cụp lại) thì không tưới bằng ô doa nữa mà tưới vào gốc để tránh làm hỏng hoa. Tưới đậm, 1 - 2 ngày một lần. Gặp tiết trời nồm không được tưới nước.

Khi xới phải xới tơi đất rồi mới vun. Giống sớm chỉ vun cao một lần sau khi trồng khoảng 12 - 15 ngày, giống muộn vun lần thứ hai sau đó 10 - 12 ngày.

Bón phân thúc: thường dùng nước giải, phân bắc, phân nước và phân đạm pha loãng để thúc 2 - 3 lần.

Lượng phân để bón thúc cho 1 ha như sau:

Phân bắc, phân đạm urê 80 - 100kg. Các kỳ bón thúc:

Kỳ 1: Sau khi trồng độ 15 ngày, dùng phân bắc pha 1/10 phân đạm cho 20 kg urê để tưới.

Kỳ 2: Sau đó 10 - 12 ngày, cũng thúc như vậy.

Kỳ 3: Khi cây đã chéo nõn, lúc này tập trung số phân còn lại bón nốt để thúc cây ra ngù nhanh, chắc.

Kỳ này có thể rắc phân đạm và rải phân bắc, phân mục vào giữa luống, rồi cho nước vào rãnh, lấy gáo té lên mặt luống.

Che đậy hoa: Sau khi trồng được 45 ngày (giống sớm) đến 60 - 70 ngày (giống chính vụ và muộn) thấy có ngù hoa ở trong lá nõn thì phải che đậy ngay. Việc che đậy này phải làm cho tới khu thu hoạch hoa lơ. Lúc đầu hoa lơ còn bé, có thể bẻ gập 1 - 2 lá trong lại để đậy (chú ý không bẻ rời hẳn mà chỉ bẻ gẫy chân chính của lá); khi hoa đã lớn thì ngắt bỏ các lá ngoài (lấy khoảng 1/3 phiến lá phần đầu lá) để đậy cho hoa, cứ thấy lá đậy hoa hơi héo là phải thay đổi lá đậy khác ngay để nước khỏi dột vào ngù làm thối rữa hoa.

f) Phòng trừ sâu bệnh:

Ngoài những sâu bệnh hại chung cho các cây họ thập tự ra, súp lơ thường bị bệnh thối cổ rễ và bệnh gối đen. Nguồn bệnh chủ yếu lây lan qua hạt giống và phát triển mạnh mẽ trong điều kiện độ ẩm của đất quá cao (trên 90%).

Vì vậy, nhất thiết phải xử lý hạt giống trước khi gieo và tránh tưới nước quá ẩm gây độc hại cho bộ rễ súp lơ.

g) Thu hoạch súp lơ:

Cần thu hoạch đúng lúc mới đảm bảo được năng suất và phẩm chất của hoa lơ.

Sau khi ngù hoa xuất hiện 15 - 20 ngày thu là vừa. Lúc này mặt hoa lơ bắt đầu gồ ghề, có hiện tượng rão ở xung quanh hoa thì phải thu hoạch ngay.

Dùng dao sắc, chặt một lá sát gốc, tỉa bỏ một vài lá chân, xếp đứng cuống hoa hoặc xếp chụm cuống hoa vào nhau để dễ vận chuyển. Năng suất súp lơ có thể đạt từ 18 - 22 tấn/ha (6 - 8 tạ/sào).

4. Để giống súp lơ:

Để giống súp lơ chúng ta phải tính toán thời vụ thế nào để khi súp lơ ra hoa kết quả không gặp mưa nhiều, lúc thu hoạch có thể hong phơi được ngay.

Khi để giống người ta thường bố trí cho quả chín vào tháng 4 và tháng 5. Gieo hạt vào hạ tuần tháng 9 đến thượng tuần tháng 10, ra ngôi tháng 11 và tháng 12. Tính bình quân một cây súp lơ giống cho 5 - 7g hạt, trồng tốt, chăm sóc chu đáo có thể đạt 12 - 15g mỗi cây, tức là vào khoảng 3 - 5 tạ/1 ha (10 - 18kg/sào).