00:00 Số lượt truy cập: 2638222

Kỹ thuật trồng tỏi 

Được đăng : 03/11/2016

Tỏi là cây thảo, cao khoảng 60cm. Thân hành, gồm nhiều hành con (múi tỏi, tép tỏi). Lá phẳng, mỏng. Hoa trắng hoặc hồng. Cây tỏi cần thời tiết nóng và ngày dài mới hình thành củ, số giờ nắng 12-13 giờ/ngày kích thích cây hình thành củ sớm; trời mát, ngày ngắn thì đâm mầm, ra lá mạnh hơn; lúc ra củ cần ẩm, khi củ đã to cần khô ráo.


Nhiều năm qua, tỏi đã trở thành cây trồng chủ lực, làm giàu của người dân các huyện Kinh Môn, Nam Sách trong vụ đông (thời vụ trồng từ tháng 9 đến tháng 10, thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 3 năm sau).Nông dân thường trồng 2 giống tỏi nhập từ Trung Quốc là tỏi trắng và tỏi tía. Tỏi trắng có đặc điểm lá riềm, to bản, củ to. Đường kính củ đạt tới 4 - 4,5 cm. Khi thu hoạch vỏ lụa củ màu trắng. Giống tỏi này bảo quản củ hay bị óp.Tỏi tía lá cứng, dày, củ chắc và cay hơn tỏi trắng. Dọc thân gần củ có màu tía. Khi thu hoạch củ có màu trắng ngà. Mỗi củ có 10 - 11 nhánh, đường kính củ 3,5 - 4 cm. Giống này được trồng nhiều hơn tỏi trắng. Năng suất của 2 giống tỏi này đạt trung bình 300 - 400 kg củ thô/sào Bắc bộ.

Xin giới thiệu quy trình trồng tỏi của nông dân nơi đây để bà con tham khảo:

1. Chọn đất và giống:

 Đất trồng tỏi phải là đất thịt nhẹ, tơi xốp giàu mùn, chân vàn cao, dễ thoát nước, độ chua thích hợp 6 - 6,5. Đất làm kỹ lên luống ngay để tránh mưa, luống rộng 1,2 - 1,5 m, rãnh rộng 0,3 m.

Tỏi giống: Chọn những nhánh từ củ chắc. Trọng lượng củ 12 - 15 gr có 10 - 12 nhánh. Mỗi sào cần trung bình 35 kg tỏi giống. Phân loại nhánh trồng riêng để sau này tiện chăm sóc. Trước khi trồng ngâm nhánh tỏi từ 2 - 3 giờ.

2. Cách trồng

Tưới ẩm toàn bộ mặt luống. Cắm nhánh tỏi ngập 2/3 xuống đất, khoảng cách hàng từ 15 - 20 cm, các nhánh trên hàng từ 8 - 10 cm. Sau đó phủ rơm rạ băm nhỏ lên trên để giữ ẩm củ hạn chế cỏ mọc (tốt nhất nên dùng rơm rạ cũ).

3. Chăm sóc

- Phân bón: Tính cho 1 sào Bắc bộ.

Phân chuồng hoai: 700 - 750 kg

URê: 10 - 12 kg

Super lân: 18 - 20 kg

Kali: 8 - 10 kg.

Đất chua có thể bón thêm vôi bột, lượng vôi bón tuỳ theo độ chua của đất. Trung bình bón 20 kg vôi/sào.

Bón lót toàn bộ vôi bột, phân chuồng, 1/3 lượng đạm và kali rải theo hàng hoặc rắc đều trên mặt luống sau đó trộn kỹ. Số đạm và kali còn lại dùng để bón thúc.

- Tưới nước đều đến khi cây mọc 3 - 4 lá thật thì tưới rãnh để nước thấm dần lên. Khoảng 10 ngày tưới rãnh 1 lần kết hợp với bón thúc phân hoá học và nhặt sạch cỏ dại. Lượng phân còn lại bón thúc làm 4 – 5 lần, nên ngừng bón phân sau khi trồng 70 - 80 ngày và giữ đủ độ ẩm cần thiết khoảng 60% độ ẩm đất ở giai đoạn này để cho củ phát triển thuận lợi, tránh tỏi phát triển quá mức dẫn đến “nổ cổ”. Trước khi thu hoạch 20 - 25 ngày nên ngừng tưới nước.

4. Phòng trừ sâu bệnh

Cây tỏi thường bị các bệnh sau:

- Bệng Sương mai: Xuất hiện cuối tháng 11 dương lịch khi nhiệt độ thấp, ẩm độ không khí cao. Phòng bệnh tốt nhất nên phun định kỳ trước khi bệnh xuất hiện hoặc phun trừ khi bệnh mới xuất hiện bằng dung dịch Boocđô 1%, Zineb, Ziram, Ridomil …

Ngoài ra những ngày có sương mù nên tưới rửa sương cho cây.

- Bệnh than đen: Xuất hiện trên củ khi sắp thu hoạch và cả trong thời kỳ bảo quản củ.

Phòng trừ: Cách ly những củ bị bệnh. Dùng Zineb, Polyram, Topsin-M, Dithane-M … phun trừ.

5. Thu hoạch

Củ thương phẩm thu hoạch sau khi trồng 125 - 130 ngày lúc lá đã già, gần khô.

Củ giống phải có thời gian sinh trưởng trên 140 ngày. Chọn củ có đường kính 3,5 - 4 cm có 10 - 12 nhánh, không bị bệnh để riêng, bó thành bó nhỏ treo nơi thoáng mát hoặc trên gác bếp./.