00:00 Số lượt truy cập: 2637807

Kỳ vọng vào những giống lúa mới 

Được đăng : 03/11/2016

Theo đánh giá của các nhà khoa học và địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện nay, sản xuất lúa của vùng thiếu tính ổn định khi diễn biến sâu bệnh có chiều hướng gia tăng cả về diện tích, mức độ gây hại; biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn,... đe dọa đến năng suất, chất lượng lúa, làm giảm thu nhập của nông dân.


Vì vậy, bên cạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác, lịch thời vụ, đầu tư hệ thống thủy lợi, đê bao, cơ giới hóa nông nghiệp, ... thì việc nghiên cứu tìm ra các giống lúa mới là rất cần thiết.

Nhiều giống lúa triển vọng

Mới đây, tại Hội thảo “Đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2011-2012”, do Viện Lúa ĐBSCL tổ chức, trong số 172 giống lúa mới của Viện, các địa phương đã bình chọn được 9 giống lúa triển vọng, gồm: OM8017, OM10636, OM9584, OM9605, OM3673, OM8108, OM9582, OM9916, OM6976. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Hàng năm, Viện Lúa tổ chức hội thảo đánh giá các giống lúa mới do Viện chọn tạo để ngành nông nghiệp các tỉnh, các trung tâm giống, cơ sở sản xuất giống và nông dân tham quan, đánh giá, bình chọn những giống mới. Đây là công tác quan trọng để giới thiệu các giống lúa có triển vọng phát triển ở các địa phương trong vùng ĐBSCL”.

Theo Viện Lúa ĐBSCL, qua các hội thảo về giống lúa tổ chức ở một số tỉnh ĐBSCL cho thấy trong cơ cấu giống lúa của các tỉnh, các giống OM chiếm từ 70-80%. Một số giống như OM4900, OM6162, OM5472, OM6976, OM5464, OM5451, OM8923 được các tỉnh chọn lựa đưa vào giống chủ lực của địa phương. Năm 2011, có 12 giống lúa mới của Viện Lúa ĐBSCL đã được công nhận chính thức góp phần xây dựng cơ cấu giống lúa cân bằng và chủ động cho vùng. Hàng năm, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện khảo nghiệm các bộ giống do Viện chọn tạo, bộ Khảo nghiệm quốc gia tại Viện và hợp tác khảo nghiệm tại các tỉnh ĐBSCL để đánh giá tính ổn định và thích nghi của các giống, biểu hiện đặc thù cho từng tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL, xác định các giống lúa mới có năng suất cao, kháng sâu bệnh và phẩm chất tốt đáp ứng cho nhu cầu sản xuất. Qua tiến hành trồng khảo nghiệm 295 giống lúa trong vụ đông xuân 2010-2011 và vụ hè thu 2011, Viện đã chọn ra được 30 giống có thể đưa vào cơ cấu giống vụ đông xuân và 23 giống đưa vào cơ cấu giống vụ hè thu ở ĐBSCL. Kết quả khảo nghiệm sẽ là cơ sở để các nhà chọn tạo giống, cán bộ khuyến nông và nông dân có thể chọn và sử dụng những giống hiệu quả hơn tùy theo mỗi địa phương.

Để giống mới đến tay nông dân

Theo quan niệm dân gian “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, yếu tố giống xếp sau cùng. Song với nền sản xuất lúa hàng hóa chuyên canh và hiện đại, khi nông dân hoàn toàn có thể chủ động 3 yếu tố đầu thì khâu chọn giống trở nên vô cùng quan trọng, mang tính quyết định đến năng suất, chất lượng và thu nhập của nông dân. Những tiến bộ về giống giúp nông dân ở ĐBSCL có nhiều lựa chọn hơn khi phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi trong quá trình sản xuất. Song để nông dân tiếp cận và chấp nhận sử dụng các giống mới thay thế giống cũ kém hiệu quả lại đòi hỏi phải có sự vào cuộc của ngành nông nghiệp các địa phương.

Theo ông Võ Văn Điền, nông dân huyện Cái Bè-Tiền Giang, hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa bất thường, sâu bệnh gây hại làm giảm năng suất, chất lượng và tăng chi phí sản xuất. Giống IR50404 mà nông dân gắn bó bấy lâu ngày càng bấp bênh về đầu ra khi thị trường chuộng gạo hạt dài, gạo thơm. Các giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL lai tạo với năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu sâu bệnh có thể thay thế cho những giống cũ kém hiệu quả... tuy nhiên, nếu chỉ một vài nông dân chọn trồng giống mới với diện tích nhỏ lẻ sẽ rất khó tiêu thụ. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần định hướng cho nông dân khi đưa vào canh tác giống mới, kết hợp quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp để nông dân yên tâm về đầu ra.

Hàng năm, không chỉ các địa phương quan tâm đến những giống lúa mới do các viện, trường, các nhà khoa học nghiên cứu chọn tạo, mà các cơ sở sản xuất giống cũng muốn tiếp cận thông tin về các giống mới phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Ông Phan Văn Trường, Trang trại sản xuất lúa giống Hai Trường, huyện Tri Tôn - An Giang, cho biết: “Mỗi năm, trang trại của tôi cung ứng trên 1.000 tấn lúa giống các loại, nhưng đa phần là các giống cũ mà nông dân quen sử dụng. Qua tham quan các giống lúa mới của Viện Lúa, tôi thấy có nhiều giống triển vọng, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Nhưng để các giống tốt này đến tay nông dân cần có những thông tin định hướng từ các nhà khoa học, ngành nông nghiệp địa phương để nông dân am hiểu và chấp nhận sử dụng. Một khi nông dân có nhu cầu, cơ sở sản xuất giống sẽ chủ động liên hệ nhận giống từ Viện Lúa để về nhân rộng và phổ biến ở địa phương.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, các giống lúa mới triển vọng của Viện sẽ tiếp tục được trồng khảo nghiệm ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL để đánh giá khả năng thích nghi trên các tiểu vùng sinh thái, chọn ra những giống phù hợp với yêu cầu của từng địa phương. Đồng thời, để các loại giống thuận lợi đến tay nông dân, các địa phương cần chủ động liên hệ với Viện khi có nhu cầu. Viện sẽ sẵn sàng hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, chuyển giao giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng để các địa phương tiến hành nhân rộng và cung cấp nguồn giống chất lượng cho nông dân canh tác theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.