00:00 Số lượt truy cập: 2637505

“Lạc” vào xứ bưởi Bạch Đằng 

Được đăng : 03/11/2016
Là dấu gạch nối giữa Bình Dương và Đồng Nai, cù lao Bạch Đằng không chỉ được biết đến như một vùng đất được bao bọc bởi cây cối xanh mượt, mà Bạch Đằng (Tân Uyên) còn nổi tiếng bởi những vườn bưởi trĩu cành, hương vị ngon ngọt, đậm đà chẳng kém nơi đâu. Một lần đi “lạc” đến đây, du khách sẽ mang theo bên mình những ấn tượng khó quên khi rời bước, vậy thì còn chần chừ gì mà chưa thử khám phá cây trái quê mình?

Xứ bưởi khi “nắng mới lên”

Trong Hội thi trái cây ngon vừa qua, tình cờ được nếm thử một loại bưởi không phải Năm Roi cũng không phải Tân Triều nhưng mùi vị rất đặc biệt khiến tôi ngạc nhiên và sau đó thật bất ngờ khi biết rằng đó là giống bưởi của tỉnh nhà. Cơ duyên đã đưa tôi đến với xứ bưởi Bạch Đằng là như thế.

Mất khoảng 5 phút đi đò qua sông Đồng Nai để từ thị trấn Uyên Hưng đến cù lao Bạch Đằng. Vì đang mùa rộ trái nên đi đâu cũng chỉ thấy toàn bưởi với bưởi còn dọc theo bờ sông là những hàng dừa, hàng cau, hàng tre ôm lấy Bạch Đằng. Ấn tượng nhất nơi này có lẽ là một màu xanh của bưởi, ánh lên trong nắng sớm hòa trong cái không khí tĩnh lặng, thoáng đãng, đúng chất một vùng quê. Gió từ sông thổi lên làm cho những nhành bưởi nặng nề khẽ đu đưa. Đã từng nghe trái trĩu cành, trái đầy cành nhưng giờ mới thật sự hiểu là thế nào khi vào thăm vườn bưởi. Do cây bưởi không cao lắm nên đã lạc vào đây thì trước mặt, sau lưng, thậm chí mặt đất tất cả đều được bao bọc bởi bưởi. Mỗi gia đình nơi đây diện tích trồng bưởi ít nhất cũng không dưới 5.000m2. Nếu những nơi khác thường trồng xen kẽ nhiều loại cây thì vườn ở Bạch Đằng phổ biến chỉ có bưởi và vì vậy rất khó phân biệt vườn nào là của nhà nào, nhìn từ trên cao có thể nghĩ rằng đây là một cù lao của bưởi. Đã đến đây mà không ăn bưởi thì quả thiếu sót, chủ nhà vui vẻ mời khách một tép bưởi đường da láng vừa được hái từ trên cây xuống, “bưởi này rất ngọt, thơm nhưng hay bệnh nên chỉ trồng ít thôi, chủ yếu là để đãi và biếu khách”, một chủ vườn cho biết. Quả là rất xứng đáng đem tranh tài nhưng tại sao không giành được giải cao nhất trong cuộc thi vừa qua?

Người dân xứ bưởi nói gì?

Một trong những vườn bưởi nổi tiếng về kỹ thuật trồng và sản lượng mà ở Bạch Đằng ai cũng biết tiếng là vườn của anh Hùng. Nỗi lòng của người dân ở đây xoay quanh cũng chỉ là cây bưởi. Anh tâm sự: “Tôi trồng bưởi được 14 năm trên diện tích 8.200m2, gồm 3 loại: bưởi đường lá cam, đường cao núm và thanh trà. Mỗi năm xuất khoảng 5-7 thiên (1.000-1.200 trái/thiên), vừa rồi do thông tin muộn quá nên không kịp dự thi trái cây ngon nhưng cũng có người đem bưởi dự thi và đạt hạng 3. Thật sự bưởi ở đây không thua bất cứ đâu nhưng do người trồng còn thiếu kỹ thuật, thiếu sự liên kết giữa các vườn, thiếu thông tin nên kết quả không cao lắm”. Khi được hỏi về thương hiệu bưởi Bạch Đằng, anh trầm tư: “Hội Nông dân của xã có tổ chức nhiều lớp tập huấn, thuê kỹ sư hướng dẫn, giới thiệu giống tốt nhưng thiếu hướng đi lâu dài, thiếu tầm nhìn xa nên tuy xem là cùng một loại với Tân Triều nhưng thương hiệu Bạch Đằng vẫn còn lắm chông chênh”. Rời vườn anh Hùng, tôi đến một vườn bưởi cũng khá nổi tiếng, đó là vườn của bác Ba Trung. Nổi tiếng vì với diện tích 6.000m2, nhưng bác lại không sử dụng thuốc hóa học mà chủ yếu chăm sóc cây bằng phân chuồng, phân xanh và rải tro, trái bưởi vì thế không to lắm nhưng săn chắc và ngọt, giòn rất đặc trưng của đất cù lao. Bác vui vẻ cho biết, với vườn bưởi gia đình mình sống cũng tương đối đầy đủ.

Nhìn chung, nguồn lợi từ cây bưởi đang ngày càng nâng cao mức sống của người dân, tuy nhiên nếu nhìn về lâu dài thì chính quyền địa phương nên có hướng giúp người dân tiếp cận kỹ thuật, thông tin thường xuyên hơn để sức lực bỏ ra của họ được tưởng thưởng xứng đáng, để tình yêu với trái bưởi không bị mai một. Và cũng như Bến Tre xứ dừa, ta có quyền hãnh diện về xứ bưởi Bạch Đằng chứ!