00:00 Số lượt truy cập: 2637671

“Làng tỷ phú” 

Được đăng : 03/11/2016
Mễ Sở (Văn Giang - Hưng Yên) từ lâu đã được mệnh danh là “làng tỷ phú” bởi xã có đến gần nửa số hộ thuộc diện khá - giàu. “Bí quyết” làm giàu của bà con nơi đây là trồng cây ăn quả và cây cảnh.

Mễ Sở có 6 làng, 2.382 hộ với gần 10.000 khẩu. Trước đây, bà con chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và buôn bán nhỏ nên Mễ Sở chỉ là vùng quê nghèo. Cuộc sống mới chỉ đến với bà con khi xã chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi. Từ năm 2000, Mễ Sở đã mạnh dạn chuyển ruộng thành vườn, tập trung trồng các loại cây quất, quýt, chuối, cây hương liệu, dược liệu, nhãn chín muộn và rau màu cho thu nhập cao. Ngay trong năm đầu tiên, giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đã đạt 60 triệu đồng /năm. Nhiều vườn cam Canh, cam Vinh, quất cảnh, vườn ươm giống cây ăn quả, hoa tươi... cho thu nhập 120 - 250 triệu đồng /năm. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, với 135ha cây ăn quả, cây cảnh cung cấp cho thị trường, trong đó có 40ha quất quả, 20, 7ha quất cảnh, 55, 5ha cam đường Canh, 12,4ha cam Vinh, 6, 3ha cam cảnh đã đem về nguồn thu trên 30 tỷ đồng. Mô hình trang trại cho thu nhập 150-200 triệu đồng /năm xuất hiện ngày một nhiều như gia đình các anh Đoàn Quốc Huy, Lê Anh Tuấn, Vũ Quang Thao... Nhờ phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại, đời sống của người dân Mễ Sở đã nhanh chóng đổi khác. Hiện thu nhập bình quân đạt trên 8 triệu đồng /người /năm (tăng hơn 5 lần so với những năm đầu đổi mới); xã có 713 hộ giàu, 819 hộ khá, 850 hộ trung bình và trên 80% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Mục tiêu đến năm 2010 tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 131 tỷ đồng /năm, giá trị thu nhập đạt 120 triệu đồng /ha, thu nhập bình quân đầu người 13 triệu đồng /năm.

Theo ông Nguyễn Đình Nam, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, đất Mễ Sở rất phù hợp với nhiều loại cây ăn quả, đặc biệt là cam Vinh và cam đường Canh. Nhiều vườn nhãn thóc, nhãn địa phương cho thu nhập thấp đang được ghép với các giống nhãn chín sớm, chín muộn, vừa có khả năng rải vụ, vừa cho thu nhập cao hơn. Xã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng như phục vụ đủ nước tưới, giúp tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tuyên truyền quảng bá, giới thiệu và thành lập tổ dịch vụ tiêu thụ nông sản.

Về kinh nghiệm trồng cam Vinh, anh Đoàn Quốc Huy cho hay: “Khi trồng cam Vinh, cần chú ý chọn giống tốt, cây khoẻ, lá xanh, không bị bệnh gỉ sắt. Dùng giống bưởi Hoàng trồng bằng cách chiết cho rộng tán rồi ghép mắt cam Vinh lên cành bưởi Hoàng sẽ cho năng suất cao. Nếu không có phân chuồng thì dùng ngô nghiền với đỗ tương, ngâm, pha với lân để tưới cho bền cây, sai quả, mã đẹp, cam ngọt. Sau khi thu hoạch, cuốc xáo rễ để 5-7 ngày cho liền vết sẹo, rắc lân và ngô cách rễ khoảng 20cm rồi lấp đất lại”. Về đất trồng, anh Vũ Quang Thao cho rằng: Đất nào cũng trồng được cam, nhưng tốt nhất là các loại đất thịt, thịt nhẹ, đất phù sa có tầng canh tác trên 50cm nhưng phải thoát nước tốt, không úng ngập. Với các vùng đất sâu, đất trung phải làm mương thoát nước, làm bồn hoặc lên luống cao để trồng cây. Trồng bầu nổi, không được trồng chìm để rễ phát triển tốt trong tầng canh tác 15-20cm, tránh bị thối rễ và thiếu ôxy vì rễ cam ưa ăn nổi. Thường xuyên chú ý kiểm tra và phòng trừ sâu bệnh kịp thời như bắt xén tóc, bẻ cành héo vào tháng 5 - 6 để diệt sâu đục thân, phun thuốc phòng trừ bệnh gỉ sắt, bệnh loét, sẹo, thối quả, thối gốc... Anh Lê Anh Tuấn còn có sáng kiến áp dụng tiến bộ kỹ thuật như hãm gốc, phơi rễ, bứng quất cảnh, cam Canh vào chậu phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết, cho thu nhập cao.