00:00 Số lượt truy cập: 2658325

Lào Cai: Lên Nậm Cang, vào làng gặp triệu phú 

Được đăng : 03/11/2016

Toàn huyện Sa Pa (Lào Cai) có trên 90 trang trại nông lâm nghiệp thì riêng xã Nậm Cang đã có tới 55 trang trại. Trang trại có quy mô nhỏ nhất là 1 ha, lớn nhất là 20 ha. Các trang trại lâm nghiệp ở Nậm Cang chủ yếu là trồng thảo quả và chăn nuôi đại gia súc. Thu nhập cao nhất của trang trại trong năm qua đạt 200 triệu đồng, thấp nhất cũng thu 60 triệu đồng/năm.

 

 


Nậm Cang là xã vùng sâu đầu tiên của Lào Cai đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 2 triệu đồng/tháng. Nói như Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Sa Pa Nguyễn Văn Phúc: "Đến Nậm Cang hôm nay, lên rừng gặp trang trại, ra ngõ gặp người giàu (triệu phú)".

Tuy là xã vùng sâu của huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn khoảng 40 km về phía Đông Nam huyện, nhưng các chủ trang trại người Dao, người Mông ở đây đã biết áp dụng các yếu tố kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Đây cũng là địa phương trồng sớm và trồng nhiều thảo quả nhất huyện, chiếm gần 70% trong tổng số hơn 3 ngàn ha thảo quả của huyện Sa Pa và 35% diện tích thảo quả toàn tỉnh. Ông Tẩn Vần Phẩu, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: "Thảo quả chăm sóc đơn giản, mỗi năm chỉ cần làm cỏ 2 lần, nếu có điều kiện thì phun thuốc diệt rầy bám lá và tạo tán che phủ là có thể chờ đến mùa hái quả, vì vậy trồng thảo quả đồng nghĩa với việc giữ rừng".

Cũng theo Bí thư Đảng uỷ xã, những năm trước chưa có đường giao thông cho xe cơ giới vào xã, người dân Nậm Cang phải thồ ngựa và gùi thảo quả ra chợ đầu dốc Bản Dền hoặc lên tận chợ thị trấn để bán, bị tư thương bắt chẹt, giá rất bấp bênh. Nhưng từ khi có đường đến trung tâm xã, sau đó xã vận động bà con làm đường liên thôn, người dân chủ động được khâu tiêu thụ, thảo quả được trả lại đúng giá trị thị thực tế trên thị trường, mỗi kg thảo quả khô bán bằng giá 10 đến 20 kg gạo ngon (tương đương 60.000 đến 120.000 đồng/kg) nên nhiều hộ trồng thảo quả kết hợp với trồng lúa và chăn nuôi đại gia súc đã có mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng đầu người/tháng. Điển hình như gia đình dòng họ Tẩn ở thôn Nậm Cang, mỗi gia đình có 5 người một năm thu nhập trên 180 triệu đồng, mỗi tháng một người thu trên 3 triệu đồng/người. Còn ở mức 60 triệu đồng/hộ, bình quân hơn 1 triệu đồng người/tháng là chuyện phổ biến. Như vậy đúng là lên Nậm Cang, ra ngõ gặp triệu phú, lên rừng gặp trang trại. Ở đây đất rừng đều có chủ, vì thế luôn xanh tươi, đồng ruộng không lo thiếu nước, náng hanh không lo cháy rừng.

Nhờ an ninh lương thực đảm bảo và có nguồn thu lớn từ thảo quả, năm 2006 xã đạt sản lượng 512 tấn thảo quả khô, trị giá trên 5 tỷ đồng. Nậm Cang trở thành xã dẫn đầu toàn huyện Sa Pa về mô hình phát triển trang trại vườn rừng. Năm nay sản lượng có thể hơn vì diện tích vườn đến tuổi thu hoạch tăng cao hơn năm trước. Đến Nặm Cang hôm nay, toàn xã có trên 200 nóc nhà thì cả 100% nhà đều có tivi, radiô chạy bằng thuỷ điện nhỏ, bình quân 5 nhà có một máy xát thóc, nghiền ngô... gánh nặng nội trợ của người phụ nữ đã được giảm đi rất nhiều. Hiện hai thôn Nậm Cang của người Dao và Nậm Than của người Mông nhà nào cũng có xe máy làm phương tiện đi lại. Cả xã có gần 10 ô tô tải loại nhỏ chuyên chở hàng hoá nông sản và kết hợp các dịch vụ khác. Chủ Tịch xã Vù A Long - dân tộc Mông khẳng định: "Nay mai có điện lưới quốc gia, tin chắc sẽ có 100% hộ dân Nậm Cang sử dụng các đồ điện tử điện lạnh và những tiện nghi đắt tiền phục vụ đời sống sinh hoạt".

Khi nhiều nơi trong tỉnh còn đang loay hoay với bài toán xoá nghèo, thậm chí có nơi xoá đói chưa xong thì Nậm Cang ( Sa Pa) đã lo đến chuyện làm giàu bền vững. Nếu du khách đến du lịch Sa Pa, muốn xem "làng giàu" thì chỉ cần xuôi từ thị trấn về hướng bãi đá cổ, qua Bản Hồ, Nậm Sài là đến Nậm Cang. Ở đây đúng là "lên rừng gặp trang trại, vào làng gặp triệu phú" - một mẫu hình nông thôn mới sạch sẽ, ngăn nắp, con người hoà thuận, mến khách.