00:00 Số lượt truy cập: 2662188

Lị amíp 

Được đăng : 03/11/2016

Kí sinh trùng amíp (Entamoeba histolilitica) xâm nhập vào cơ thể định cư ở vùng đầu đại tràng (manh tràng, đại tràng lên và xích ma), chuyên ăn vi khuẩn và hồng huyết cầu. 


Amíp sinh sản theo kiểu phân chia và tồn tại dưới 2 thể là thể dưỡng bào (sinh vật) chuyên hoạt động gây bệnh và sinh sản và thể bào nang (kén) chuyên truyền bệnh. Kén amíp được thải ra ngoài theo phân, ở vùng nhiệt đới chúng sống trong môi trường được nhiều tuần, còn ở vùng ôn đới chúng chỉ sống được ít ngày, phân tán vào thức ăn, nước uống, lây qua ruồi nhặng rồi quay trở lại cơ thể nhiều người. Lị amíp (còn gọi là bạch lị) không lan thành dịch như lị trực trùng nhưng mức độ nguy hiểm cũng thật đáng gờm. Amíp phá hoại đường ruột trước tiên ở ngay nơi chúng định cư, đào sâu vào niêm mạc ruột, tạo những vết thương có miệng nhỏ và đáy phình to ra ăn sâu mãi vào mạch máu, đến tận các cơ quan khác như gan, lách, phổi, biến chứng thủng ruột, gây viêm màng bụng, xuất huyết đoạn ruột dưới, lồng ruột ở vùng manh tràng, viêm gan, áp xe gan, áp xe não, áp xe phổi và các cơ quan khác…

Có thể nhận biết lị amíp qua hội chứng đặc trưng: đau khắp bụng hay chỉ đau vùng bụng dưới, nhầy mũi lẫn ít máu, rất ít phân hoặc không có phân, đôi khi có sốt nhẹ dai dẳng, suy kiệt nước, mệt nhiều, mạch nhanh, chóng mặt, đau tức ngực… Nếu cộng thêm thời tiết bất thuận, cơ thể suy nhược sẵn do có bệnh khác như dịch tả, sốt rét, thương hàn, lị trực trùng… bệnh sẽ diễn biến nặng, rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao.

Lị amíp cấp tính chữa trị không triệt để, dở dang sẽ dễ tái phát và chuyển thành lị mạn tính viêm đại tràng xích ma dai dẳng, mỗi buổi sáng phải đi cầu 5-6 lần, phân đỡ nhầy mũi hơn nhưng nhão và xanh, làm bệnh nhân rất mệt; thỉnh thoảng 2-3 tuần hay 3-6 tháng bột phát cơn lị cấp, phân nhiều nhầy mũi lẫn máu, đôi khi có sốt, sờ nắn bụng đau, thấy gò cục cứng vùng đại tràng xích ma…

·Phòng bệnh

Vệ sinh môi trường tốt là biện pháp hàng đầu để phòng ngừa bệnh lị amíp, đi cầu vào hố xí hợp quy cách, rửa tay sạch sau mỗi lần đi cầu, không dùng phân người để bón tưới cho rau quả.

·Chữa bệnh

-Phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh kịp thời, cách li người bệnh ít nhất 15 ngày, kể cả người lành mang trùng; sát trùng, tẩy uế đồ dùng cá nhân, phân người bệnh.

-Chữa lị amíp cấp và mãn tính:

a.Cỏ sữa lá to 30g, kim ngân 20g, hương nhu 20g – sắc uống.

b.Củ hẹ 20g, húng chanh 50g – rửa sạch, thêm ít hạt muối, giã nhuyễn, thêm 100ml nước chín, vắt nước cốt uống.

c.Mức hoa trắng 20g, lá sả 20g, quế 5g – sắc uống.

d.Lá thông 30g, ngải cứu 20g – sắc uống.

e.Lá vối 50g, nha đam tử 20g – sắc uống.

f.Lá trầu 1 lá, cỏ sữa nhỏ 1 nắm – rửa sạch, giã vắt nước cốt uống.

g.Vỏ vối 12g, rau sam 20g, mộc hương 12g – sắc uống.

h.Sâm đại hành 16g, hạt sẻn 12g – sắc uống.

i.Hậu phát 12g, hoàng liên 12g, kim ngân 12g, mẫu đơn bì 12g, khổ sâm 8g, mộc hương 12g, cam thảo 6g – sắc uống. Thể amíp nhẹ, thể mãn tính – 1 thang/ngày. Thể cấp tính cổ điển và thể nặng – 2 thang/ngày, 5-7 ngày, nghỉ 1-2 ngày, tiếp đợt khác, 3-4 đợt liên tiếp, đến khi xét nghiệm không còn dưỡng bào, kén amíp trong phân. Theo dõi 6 tháng đến 2 năm, chữa viêm đại tràng, viêm gan, thiếu máu.

j.Kim ngân hoa 20g, tô mộc 16g, mộc hương 16g, quán chúng 12g – sắc uống.

k.Hoàng cầm 12g, hoàng bá 12g, đại hoàng 4g, bạch thược 8g, đương quy 8g, kim ngân hoa 16g, binh lang 12g, cam thảo 6g – sắc uống.

l.Hoàng liên 100g, anh túc xác 20g, khổ luyện tử 100g, binh lang 100g, trần bì 50g, ngô thù du 100g – sao giòn, tán bột, uống 10g/lần, 2-3 lần/ngày.

m.Mộc hương 12g, hoắc hương 12g, hậu phát 12g, trần bì 8g, sa nhân 6g, thương truật 12g, bán hạ chế 6g, nhục quế 4g, gừng 4g, đại táo 4 quả - sắc uống./.