00:00 Số lượt truy cập: 2667691

Long An: 2.305,6 ha lúa bị mất trắng 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay, hiện tượng khô hạn, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân, gây thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. 


Tính đến nay, toàn tỉnh có 2.305,6 ha lúa bị mất trắng. Theo dự báo, mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu vào các tuyến sông, trong tháng 4/2016 sẽ có khoảng 5.400 ha lúa Hè Thu sớm bị thiệt hại từ 30-50% và 20.000 ha lúa có khả năng bị thiếu nước. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 119 tỷ đồng.

Tình hình hạn, xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng, tác động rất lớn đến đời sống của người dân. Nước sử dụng trong tưới tiêu cũng như sinh hoạt của người dân trở nên khan hiếm (nhất là các huyện vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc,…); tình hình dịch bệnh trên người, trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản có diễn biến phức tạp hơn; nguy cơ cháy rừng tăng cao. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước đã làm gián đoạn một số hoạt động sản xuất công nghiệp, thay đổi chất lượng sản phẩm, đặc biệt đối với các ngành sử dụng nhiều nước như: Chế biến thực phẩm, dệt nhuộm, chi phí hoạt động sản xuất tăng cao. 

Trước tình hình trên, tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp để khắc phục: Trước mắt, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, chất lượng nước, thông báo kịp thời cho người dân biết nhằm giảm thấp nhất thiệt hại. Xác định rõ khu vực nào tiếp tục xuống giống theo lịch khuyến cáo, khu vực nào tạm ngưng sản xuất để tránh thiệt hại. Rà soát, chuyển đổi cây trồng vụ Hè Thu đảm bảo thích nghi, phù hợp. Khẩn trương cấp vốn cho các địa phương nạo vét kênh mương, bơm nước chống hạn, khơi thông dòng chảy. Tiến hành rà soát, hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại. Mục tiêu chủ yếu là không để hộ dân nào bị thiếu đói. đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để phát sinh dịch bệnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về hạn hán, xâm nhập mặn. Khuyến cáo người dân không sử dụng nước quá độ mặn cho phép... Hiện nay, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đã về đến các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Trên các sông chảy qua Long An cũng được hưởng lợi từ nguồn này. Trước tình hình trên, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động tất cả lực lượng, phương tiện để lấy nước, tích trữ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Về lâu dài, tỉnh chỉ đạo tăng cường nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất; nghiên cứu cải tạo các phương pháp lấy nước ngọt cung cấp cho sản xuất tại vùng ngọt, mặn xen kẽ. Ngoài ra, tỉnh đã kiến nghị Trung ương cho nạo vét các công trình để phục vụ sản xuất các năm tiếp theo trên trục kênh chính, nạo vét các kênh trên địa bàn các huyện và đắp một số đập ngăn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng… Tỉnh nghiên cứu bố trí đầu tư hai công trình cấp nước sinh hoạt cho hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc, công trình có quy mô công suất mỗi trạm 2.400 m3/ngày đêm, phục vụ 12.000 hộ dân.