00:00 Số lượt truy cập: 2666670

Long An: Trang trại chăn nuôi vịt sinh sản theo hướng an toàn sinh học 

Được đăng : 03/11/2016

Nằm trong vùng ngoại ô thành phố Tân An, tỉnh Long An, tại Ngã tư Lạc Tấn, huyện Tân Trụ có hộ ông Lê Văn Mong, còn gọi là Năm Mong đã gắn bó với nghề nuôi vịt hơn 30 năm.


Long An: Trang trại chăn nuôi vịt sinh sản theo hướng an toàn sinh họcTrang trại vịt sinh sản theo hướng an toàn sinh học nhà ông Năm Mong












Khởi nghiệp từ một nông dân nghèo khó với quy mô chăn nuôi ban đầu chỉ vài chục con, nhưng với quyết tâm vươn lên làm giàu, ông đã tìm tòi, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm chăn nuôi. Đến nay, ông đã có trang trại chăn nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học diện tích 2 ha, qui mô 9 trại vịt với trên 5.000 con vịt mái sinh sản, đồng thời kết hợp nhận sản phẩm nuôi gia công từ 30 hộ nuôi vịt lân cận trong tỉnh. Trung bình mỗi hộ nhận vịt của ông về nuôi gia công từ 250 – 300 con/hộ, có hộ đạt 500 con.

Với công suất hoạt động của 40 tủ ấp trứng, mỗi tủ ấp từ 40 – 45 ngàn quả, sau khi ấp 23 – 25 ngày, tỷ lệ nở 75 – 80%, cứ 5 ngày một lần ông xuất 30 ngàn vịt con gồm 2 giống vịt Hòa Lan và vịt siêu thịt, cung cấp cho thị trường các tỉnh từ miền Tây đến Quảng Ngãi. Với giá bán bình quân hiện tại 8.000 đồng/con, cho thu nhập mỗi đợt 240 triệu đồng, mỗi tháng đạt thu nhập từ 1,4 tỷ đồng. Giá thành 1 vịt con sau khi nở là 5.500 đồng/con, trừ chi phí mỗi con cho lợi nhuận 2.500 đồng, tổng số cho lợi nhuận mỗi đợt là 75 triệu đồng, một tháng là 450 triệu đồng.

Song song đó, ông Năm còn tận dụng diện tích mặt nước và phân vịt có sẵn từ trong ao đẻ thả nuôi ghép cá các loại như rô phi, điêu hồng. Thu nhập từ cá mang lại mỗi năm từ 9 ao đạt 400 triệu đồng. Ngoài ra phân vịt trong chuồng trại được các hộ trồng rau, hoa kiểng lân cận đến thu mua tăng thu nhập thêm 3 triệu đồng/tháng.

Mô hình nuôi vịt sinh sản của ông Năm đạt hiệu quả cao vì ông Năm luôn kiểm soát chặt chẽ 9 tiêu chí được đúc kết từ những kiến thức học hỏi và kinh nghiệm trong nhiều năm qua gồm: chuồng trại; con giống; quản lý thức ăn; địa điểm chăn nuôi; nước uống; vệ sinh phòng bệnh; kiểm soát khâu vận chuyển, xuất bán; ghi chép sổ sách; xử lý chất thải. Quan trọng nhất là nhờ ông sử dụng men vi sinh vào trong chăn nuôi nên khâu phòng bệnh luôn được kiểm soát chặt chẽ, đây là yếu tố để nâng cao tính bền vững trong mô hình của ông.

Đây là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, có thể nhân rộng cho nhiều khu vực trong và ngoài tỉnh. Đồng thời là hướng đi bền vững để từng bước tiến đến đạt tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học, gắn liền với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong chăn nuôi.

Võ Thị Ngọc Thanh

Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao CN nông nghiệp vùng ĐBSCL