Cánh đồng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân Long An (Ảnh: K.V).

Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh Long An triển khai xây dựng và phát triển các cánh đồng lớn thuộc lĩnh vực trồng trọt nhằm nâng cao giá trị gia tăng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Long An phấn đấu đến năm 2020 có tổng diện tích xây dựng cánh đồng lớn trên các loại cây trồng chủ yếu của tỉnh là 110.180 ha đạt 19,34% so với tổng diện tích gieo trồng. Trong đó, đối với cây lúa là 100.000 ha đạt 20% diện tích quy hoạch gieo trồng; cây ngô 1.500 ha đạt 20%; cây vừng 4.500 ha đạt 30%; cây lạc 640 ha đạt 10%; rau các loại 380 ha đạt 5%; cây thanh long 900 ha đạt 10%; cây chanh 1.100 ha đạt 10% và các cây trồng khác 1.160 ha đạt 10%.

Tỉnh này cũng đặt kế hoạch đến năm 2030 có tổng diện tích xây dựng cánh đồng lớn trên các loại cây trồng chủ yếu của tỉnh là 228.800 ha đạt 40,96% so với tổng diện tích gieo trồng. Trong đó, đối với cây lúa là 200.000 ha đạt 41,4% diện tích quy hoạch gieo trồng; cây ngô 4.000 ha đạt 46,3%; cây vừng 8.300 ha đạt 50%; cây lạc 1.300 ha đạt 20%; rau các loại 1.500 ha đạt 16,4%; cây thanh long 3.000 ha đạt 30,8%; cây chanh 4.000 ha đạt 29,3% và các cây trồng khác 2.200 ha đạt 20%.

Để thực hiện được kế hoạch này, ngành chức năng và các địa phương tỉnh Long An đang tập trung phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phát triển các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp, hoàn thiện các hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đưa ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; đồng thời có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho người dân và các doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An cũng đã phê duyệt "Quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An đến năm 2020"; Quy hoạch vùng rau an toàn của tỉnh đến năm 2020; Đề án "Sản xuất, xuất khẩu thanh long huyện Châu Thành giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020"; Đề án "Sản xuất và tiêu thụ chanh thương phẩm tỉnh Long An”, đây là cơ sở định hướng cho việc xây dựng các cánh đồng lớn của tỉnh này.

Ngoài ra, các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương trong thời gian qua cũng đã tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn. Ban Chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn các cấp của Long An cũng thường xuyên được củng cố, tăng cường và phối hợp ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng hơn, góp phần ngày càng nâng cao hiệu quả chất lượng của mô hình.

Tuy nhiên, khó khăn thách thức hiện nay là: Doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn chưa nhiều, chưa mạnh mẽ. Doanh nghiệp, hộ nông dân chưa thực sự gắn bó và thực hiện theo đúng cam kết hợp đồng đã ký. Tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn rất thấp. Nông dân sản xuất nhỏ, manh mún chưa quen, chưa thấy lợi ích liên kết hợp tác. Một số nơi chưa có hợp tác xã hoặc có nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đủ sức tổ chức và hỗ trợ cho nông dân. Mặt khác, các chủ trương, chính sách về khuyến khích, phát triển cánh đồng lớn chưa được cụ thể hóa trên địa bàn tỉnh; một số địa phương chưa thấy hết ý nghĩa, lợi ích của cánh đồng lớn nên chưa tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện.

Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, để nâng cao chất lượng mô hình cánh đồng lớn trong thời gian tới, cần tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, các qui trình sản xuất tiên tiến theo hướng thực hành nông nghiệp tốt nhằm tạo ra vùng nguyên liệu đồng nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh và chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Ngoài ra cần tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ở những vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung của tỉnh. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Được biết, trong 2 năm (2014-2015), toàn tỉnh Long An triển khai 103 lượt cánh đồng lớn với diện tích tham gia đạt gần 46.000ha, người dân tham gia cánh đồng lớn giảm được chi phí giống, lượng phân bón, cụ thể số lượng giống gieo sạ trong cánh đồng lớn thấp hơn bên ngoài từ 10kg đến 20kg/ha, phân đạm thấp hơn bên ngoài khoảng 22kg/ha, lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/ha./…

K.V