Được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép, Ban quản lý dự án của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đã nhập một số giống lúa thuần từ Trung Quốc về nghiên cứu, chọn lọc. Sau 2 năm, các nhà khoa học đã chọn ra giống HD9 và đem trồng khảo nghiệm tại nhiều địa phương, được đánh giá là giống có nhiều ưu thế vượt trội.
Năng suất cao hơn hẳn Theo bà Nguyễn Thị Lan, chủ nhiệm dự án, sau khi thống nhất với các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa, năm 2011, dự án đã làm 3 thí nghiệm về biện pháp canh tác cho giống lúa HD9, gồm thí nghiệm về mật độ cấy, liều lượng phân bón hợp lý và thời vụ gieo cấy ở xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Lộc) và xã Đông Phú (huyện Đông Sơn). Đồng thời dự án cũng tiến hành sản xuất khảo nghiệm tại các huyện có tiểu vùng sinh thái khác nhau như vùng núi Thạch Thành; vùng trung du Vĩnh Lộc; vùng đồng bằng Đông Sơn và Nông Cống; vùng đồng bằng ven biển Quảng Xương và Hoằng Hóa, diện tích lên tới hàng chục hecta. Ông Nguyễn Sĩ Châu, nông dân thôn Chi Hòa, xã Quảng Phong (Quảng Xương) cho biết: "Sau khi nhận được sự thống nhất của các cấp chính quyền, gia đình tôi đã đăng ký trồng khảo nghiệm 1 sào (360m2) giống lúa HD9. Trong thời gian chăm sóc, theo dõi thấy lúa phát triển tốt, nhiễm bệnh ít, nhất là rầy nâu và khô vằn, trong khi vụ mùa sớm nhiều hộ bên cạnh bị nhiễm rầy nâu rất nặng". Ông Đào Duy Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phong cho biết: "Trong quá trình tiếp nhận dự án giống lúa HD9 cho các hộ đăng ký trồng khảo nghiệm, chúng tôi thấy HD9 có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với đất thịt nhẹ và điều kiện làm vụ đông của địa phương. Giống khỏe, nhiễm nhẹ rầy nâu, không cháy, cây cứng, năng suất vụ mùa sớm ước đạt 2,7 - 3 tạ/sào, chất lượng gạo ngon. Nhìn chung, HD9 có nhiều ưu điểm hơn hẳn một số giống lúa khác". Nhiều ưu điểm nổi bật Tại các cuộc hội thảo đầu bờ, đánh giá, khảo nghiệm, tổng kết của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Thanh Hóa, các đại biểu đều nhận định đây là giống có nhiều tính năng ưu việt như là giống lúa cảm ôn, ngắn ngày, thích hợp gieo cấy ở cả 2 vụ (nhất là trà xuân muộn và mùa sớm). Thời gian sinh trưởng vụ xuân muộn từ 120 - 125 ngày, vụ mùa sớm từ 102 - 105 ngày, ít hơn giống lúa Khang dân từ 3 - 5 ngày nên thích hợp cho những nơi làm vụ đông. Giống lúa HD9 còn có khả năng đẻ nhánh khỏe, phiến lá ngắn và đứng, lá đòng đứng, khóm gọn, trỗ tập trung. Chiều dài bông từ 18,5-19cm, theo kiểu xếp hạt, gối hạt nên mật độ hạt trên bông cao. Dạng hạt thon dài, vỏ vàng sáng. Gạo trong, dạng gạo đẹp, tương tự như gạo Bắc thơm số 7, cơm dẻo, có mùi thơm nhẹ. Ngoài ra, HD9 còn có khả năng chịu rét trung bình, khả năng chống đổ trung bình. Đặc biệt, giống lúa HD9 kháng được rầy nâu và bệnh bạc lá, chỉ nhiễm nhẹ các bệnh đạo ôn, khô vằn, đục thân, cuốn lá, do đó giảm được đáng kể lượng thuốc trừ sâu bệnh, góp phần giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất. Qua thử nghiệm trồng tại các địa phương, năng suất dự tính trung bình năm 2011 của giống HD9 ước đạt 52-55 tạ/ha, nhiều nơi đạt 58-60 tạ/ha. Đặc biệt, trong đợt trồng khảo nghiệm tại tỉnh Hưng Yên vào năm 2010, năng suất lúa HD9 đạt 75,3 tạ/ha. Theo Ban quản lý dự án và Chủ nhiệm dự án của Trường Đại học Hồng Đức, thời gian tới sẽ tiếp tục khảo nghiệm sản xuất giống lúa HD9 và đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sản xuất thử với diện tích tối thiểu 500ha trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. |