00:00 Số lượt truy cập: 2662968

Lúa được giá nhưng không còn để bán 

Được đăng : 03/11/2016
Thị trường lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đang “nóng” lên từng ngày bởi giá chào bán gạo xuất khẩu đã tăng ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhưng nghịch lý là nông dân không còn gạo để bán trong khi doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng “đói” nguyên liệu trầm trọng...


Giá gạo đã tăng 200 đồng/kg so với tuần trước. Giá gạo thô nguyên liệu loại 5% tấm có giá 3.550 - 3.600 đồng/kg; gạo 25% tấm giá 3.480 - 3.500 đồng/kg; gạo trắng 3.900 - 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm này, nông dân lại hầu như không còn lúa để bán. Trong năm 2006, dự báo nhu cầu gạo của các nước như Mỹ, Inđônêxia và Trung Quốc sẽ tăng và hỗ trợ giá gạo cũng ở mức cao. Hiện giá gạo tại châu á đã tăng 10% so với cùng kỳ năm 2005, do nguồn cung của các nước xuất khẩu gạo lớn khan hiếm.

Vừa qua, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp&PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã thống nhất: trong quý IV/2006 kiên quyết không cho thực hiện những hợp đồng với giá thấp hơn bình quân tại thời điểm ký hợp đồng để theo dõi chặt chẽ tình hình xuất khẩu gạo trong nước, nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo trong khi nguồn nguyên liệu trong nước không còn nhiều. Hiện giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt có giá 282 USD/tấn, tăng 2USD so với đầu tuần và gạo loại 25% tấm cũng ở mức cao, khoảng 265 USD/tấn.

Mặc dù giá lúa hàng hoá đang ở mức cao và nhu cầu xuất khẩu gạo đang gia tăng nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất khó thu mua. Nguyên nhân vì lượng lúa hàng hoá của nông dân hầu như không còn, đã gây ra ít nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tìm nguồn gạo nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Đại diện Xí nghiệp Chế biến lương thực Vị Thanh (Công ty Lương thực Sông Hậu - Cần Thơ) cho biết, xí nghiệp có 3 dây chuyền lau bóng gạo, công suất 80 tấn/ngày. Giá thu mua gạo lức là 3.500 đồng/kg nhưng thương lái vẫn chê thấp, chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Hiện mỗi ngày xí nghiệp chỉ mua được 10 - 20 tấn gạo nguyên liệu, nếu tình trạng kéo dài, xí nghiệp phải tạm nghỉ chờ nguyên liệu. Xí nghiệp Chế biến lương thực Long Mỹ (Công ty Lương thực Sông Hậu) dù nằm ở vùng trọng điểm lúa gạo của 3 tỉnh Hậu Giang - Kiên Giang - Sóc Trăng nhưng do yếu sức cạnh tranh về giá thu mua nên luôn bị “đói” nguyên liệu. 9 tháng đầu năm 2006, Công ty Lương thực Sông Hậu thu mua khoảng 200.000 tấn gạo các loại và đã xuất 150.000 tấn nhưng nay công ty chỉ mua cầm chừng 5 - 7 tấn/ngày.

Theo các ngành chức năng, năm nay vụ lúa thu đông ở ĐBSCL bị rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá làm ảnh hưởng đến năng suất. Sản lượng lúa đông xuân năm nay giảm 11,3%, xuống còn 9,55 triệu tấn.

Nhiều năm qua, bà con nông dân đồng bằng ao ước giá gạo xuất khẩu trên thị trường tốt để bán lúa giá cao, có như vậy công sức họ bỏ ra được thu về xứng đáng. Giờ đây, mơ ước đã hiện ra trước mắt nhưng lượng lúa hàng hoá trong dân đã giảm, do bà con đã bán lúa ngay từ đầu vụ. Vấn đề này lại đặt ra cho các ngành chức năng một bài toán khó giải: Làm thế nào để hài hoà lượng lúa cung - cầu, giúp cho nông dân bán lúa được giá cao mà doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có lãi?