00:00 Số lượt truy cập: 2637542

Lúa lai 'về' đất Cát Sơn 

Được đăng : 03/11/2016
Đã bao đời nay, người dân xã Cát Sơn (Phù Cát - Bình Định) quen với việc sản xuất 3 vụ lúa/năm. Vất vả quanh năm nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó do năng suất lúa bấp bênh. Vậy mà như có phép lạ, từ khi chuyển sang sản xuất 2 vụ /năm với giống lúa lai Nhị ưu 838, công việc của nhà nông như nhàn hẳn mà hiệu quả kinh tế cao lại cao hơn.

Năm 2007 là năm đầu tiên bà con Cát Sơn áp dụng mô hình với cơ cấu giống lúa lai Nhị ưu 838 áp dụng cho cả vụ đông xuân và vụ thu, điểm đầu tiên thực hiện là thôn Thạch Bàn Tây. Ngay từ đầu vụ, cán bộ khuyến nông đã tiến hành tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho các hộ tham gia mô hình; trực tiếp theo dõi, hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Trong đó, quan trọng nhất là mật độ gieo sạ 2,5kg/sào Trung Bộ (500 m2) và xuống giống vào trung tuần tháng 12, bố trí cho lúa trỗ đại trà vào sau tiết kinh trập (đối với lúa đông xuân); gieo sạ lúa vụ thu vào cuối tháng 5 để lúa trỗ sau tiết lập thu, tránh tình trạng lúa trỗ bông bạc.

Mặc dù ở hai vụ này thời tiết không thuận, sâu bệnh phát sinh gây hại nặng, nhất là bệnh đạo ôn, sâu đục thân, rầy nâu nhưng nhờ thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật nên giống lúa Nhị ưu 838 vẫn kháng được sâu bệnh, phát triển tốt, năng suất vụ đông xuân đạt 70,5 tạ/ha, vụ thu 72 – 80 tạ/ha, tính chung cả năm là 14 – 15 tấn/ha, cao hơn 2 tấn/ha so với sản xuất 3 vụ trên cùng chân đất và điều kiện thâm canh. Sau khi trừ chi phí lãi 16 – 18 triệu đồng/ha, cao hơn 10 triệu đồng/ha so với sản xuất 3 vụ. Sản xuất 2 vụ/năm còn góp phần cắt đứt cầu nối gây bệnh. Chính vì vậy, ngoài 5ha thuộc diện dự án, bà con còn phát triển sản xuất lúa lai trên 35ha.

Ông Lê Thành Công ở thôn Thạch Bàn Tây, người trực tiếp tham gia mô hình, so sánh: “Qua thời gian chăm sóc, tôi thấy giống lúa này cứng cây, bông dài, hạt chắc. Tuy thời gian sinh trưởng có dài ngày hơn so với các loại giống lúa khác nhưng năng suất lại cao gấp 1,5 lần”.

Giống lúa lai Nhị ưu 838 có thời gian sinh trưởng 110 – 120 ngày. Lúa đẻ nhánh khoẻ, sinh trưởng phát triển cân đối, ít sâu bệnh lại cứng cây, hạn chế đổ ngã, tỷ lệ hạt lép không đáng kể. Như vậy, sản xuất 2 vụ/năm, nông dân được 3 cái lợi: năng suất cây trồng tăng; chi phí đầu tư, công lao động giảm; có thời gian làm thêm nhiều nghề phụ. Ruộng đất có thời gian “nghỉ” dài, tiêu diệt được mầm bệnh cho mùa sau.

Ông Võ Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Cát Sơn cho biết: “Thời gian tới xã sẽ vận động bà con chuyển từ sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh sang mô hình 2 lúa hoặc 2 lúa + 1 màu ăn chắc; đồng thời tăng cường chuyển giao tiến bộ cho nông dân, từng bước nâng cao thu nhập, tiến tới xoá nghèo, vươn lên khá - giàu”.