00:00 Số lượt truy cập: 2667618

MÀU SẮC LÔNG DA CÓ ẢNH HƯỞNG GÌ ĐẾN TỶ LỆ NẠC Ở LỢN THỊT? 

Được đăng : 03/11/2016
Nuôi lợn để sản xuất thịt, thịt lợn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Tỷ lệ nạc trong thịt xẻ càng cao, càng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, càng tăng thu nhập cho người nông dân, vì một kg thịt lợn nạc bán từ 28.000đ đến 35.000đ/kg, trong khi đó một kg mỡ chỉ bán được từ 5.000đ đến 7.000đ/kg.

Để có những giống lai đạt năng suất chất lượng và tỷ lệ nạc cao, hao hụt thấp, chóng lớn, giảm chi phí thức ăn cho một kg tăng trọng cần áp dụng những công thức lai phù hợp. Các giống lợn có nhiều nạc trên thế giới nuôi phổ biến hiện nay ở ta có màu lông trắng dùng làm dòng mẹ (dòng máu) là Yorkshire và Landrace, ngoài ra còn có một số giốn địa phương như Mông cái….. Một số giống sử dụng con đực làm dòng bố là Đuroc, Pietrain thường con lai giữa chúng với lợn có máu các giống địa phương thương lông da có màu. Khi lai giữa các giống với nhau về mặt di truyền màu sắc lông da sẽ có sự phân ly đen trắng. Hai giống thuần Yorkshire và Landráce có lông màu trắng mang kiểu di truyền trội về màu lông, khi lai với lợn Mông cái con lai (F1) đều có lông màu trắng, da thỉnh thoảng có đốm đen ở vùng đuôi. Hai giống nầy được nhập vào nước ta sớm nhất, qua gieo tinh nhân tạo rộng rãi với các giống lợn hiện có trong nước con lai đều có lông màu trắng đồng nhất. Cũng còn vài giống lợn có lông màu trắng nhưng do năng suất hoặc chất lượng nên chưa có ở ta. Ngoài hai giống lợn phổ biến nầy, trên thế giới còn ba giống lợn phổ biến khác như Duroc, Pietrain, Hampshire đều có lông màu đen hoặc nâu nhưng cho nạc cao, có người còn gọi là “ các giống siêu nạc” . Như vậy các giống lợn lông màu nầy vẫn là “các giống siêu nạc” và có tỷ lệ nạc từ 60% trở lên. Khi cho lai với lợn Mông cái hoặc con lai có một phần máu lợn Mông cái, đàn con sinh ra sẽphân ly màu sắc lông da: đen , trắng đen hoặc có đốm . Các tỉnh từ miền trung trở ra phía Bắc phần đông người nông dân nuôi nhiều nái sinh sản giống lợn Mông cái thuần hoặc nái lai giữa giống Mông cái với Yorkshire hoặc Lasndrace để sản xuất lợn con nuôi thịt trong chương trình nạc hoá đàn lợn hiện đang bị người mua lợn con và lợn thịt ép giá về màu lông da cho dù màu lông da không quyết định vế năng suất và nạc nhiều hay ít ở lợn thịt. Chỉ có giống lợn dùng để lai có năng suất và tỷ lệ nạc cao hay thấp mà thôi. Các công trình nghiên cứu nâng cao tỷ lệ nạc ở lợn lai nuôi thịt của chúng ta cho thấy khi lai giữa lợn Yorkshire hoặc Landráce với lợn Mông cái, con lai của chúng đều có màu lông trắng , tỷ lệ nạc của nó chỉ đạt 40-42% nạc ở F1 (50% máu ngoại), con lai F2 (75% máu ngoại) đạt từ 45-47% nạc và con lai F3 có (87,5% máu ngoại) đạt từ 50-52% nạc. Chương trình nghiên cứu KHCN 08-06 cũng đã khảo sát công thức lai giữa hai giống Pietrain và Mông cái, con lai F1 của chúng tuy có màu lông đen tuyền nhưng đã đạt 45% nạc . Rõ ràng con lai giữa giống Pietrain và Mông cái tuy có lông da màu đen ở F1 nhưng đã cho tỷ lệ nạc cao hơn 3% đến 5% so với con lai các giống có lông da màu trắng. Hiện tại khoa chăn nuôi Đại học Huế cũng đang khảo sát công thức nầy. Những kết quà thực tế dựa trên cơ sở khoa học đã cho thấy màu lông không ảnh hưởng đến tỷ lệ nạc ở lợn thịt mà cần sử dụng công thức lai nào để đạt tỷ lệ nạc cao.

Để tận dụng được ưu thế lai cao, trong ngành chăn nuôi lợn công nghiệp ở các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đã tổ chức sản xuất theo mô hình giống bốn cấp: “ Ông cụ bà cụ, ông bà, cha mẹ và lợn thịt”. nhằm tận dụng được ưu thế lai cao về sức sống, đẻ sai, chóng lớn, chi phí thức ăn thấp , có quầy thịt tốt và nhịều nạc bằng phương pháp lai giữa các giống theo dòng bố và mẹ chuyên biệt theo các đặc tính sản xuất của chúng để cho hiệu quả kinh tế cao.

Các đực giống Đurốc, Pietrain , Landrace Bỉ hay đực lai giữa chúng được dùng làm nguyên liệu lai của dòng bô (thường được gọi là đực cuối cùng) vì con lai của chúng chỉ để nuôi thịt là chính. Chúng có những đặc điểm sau: mông vai phát triển, ngoại hình vững chắc, chi phí thức ăn thấp, mỡ lưng mỏng, nạc cao, có quầy thịt xẽ lý tưởng, hoặc màu thịt đẹp nhưng khả năng sinh sản kém hơn . Cũng có nước dùng đực lai giữa các giống nầy với Landrace hoặc Yorkshire để phối với các giống dòng mẹ sản xuất lợn con nuôi thịt.

Các giống “dòng me” như Landrace, Yorkshire lai giữa chúng với nhau để sản xuất nái lai F1 hoặc lai giữa chúng với một số giống địa phương có khả năng sinh sản tốt để làm nái nền. Những nái lai nầy dễ nuôi, đẻ nhiều con, nuôi con khéo, số con sống đến cai sữa cao, sinh trưởng tốt, mở lưng mỏng. Để tận dụng được ưu thế lai về những đặc tính tốt trên, người ta thường sử dụng con lai F1 giữa các giống nầy làm nái sinh sản lai với các giống “dòng bố” nhằm sản xuất lợn thịt đạt năng suất và chất lượng thịt cao, cho nhiều nạc.

Về mặt di truyền các giống “dòng bố” đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển giao các thông tin di truyền tốt cho đàn con như sinh trưởng nhanh, nạc nhiều, chi phí thức ăn thấp, có quầy thịt lý tưởng .

Một lợn đực tốt sử dụng trong gieo tinh nhân tạo, một năm truyền các thông tin di truyền tốt cho 2.000 đến 5.000 lợn con , trong khi dó một lợn nái chỉ chuyển giao thông tin di truyền tốt tối đa cho 25 lợn con trong một năm.

Như vậy sản xuất lợn thịt cần chú ý chọn sử dụng các loại đực giống dòng bố vá loại nái lai dòng mẹ thông qua các công thức lai phù hợp để cho năng suất và chất lượng thịt cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của xã hội và cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong chương trình nạc hoá đàn lợn hiện nay, chúng ta nên quan tâm trước tiên đến năng suất và chất lượng thịt trong chăn nuôi lợn thịt. Đừng vì màu lông đen hay trắng mà phủ nhận năng suất và chất lượng.

Sở dĩ hiện nay người nông dân bị người mua ép giá do chúng ta chưa làm ra luật để quy định giá bán trên cơ sở giá theo tỷ lệ nạc. Như lời đồng chí Minh chủ tịch xã Quảng thọ, huyện Quảng Điền, Thừa thiên Huế “Màu lông trắng hay đen ở lợn không có ý nghỉa gì về kinh tế, tăng trọng nhanh, nạc cao sẽ mang lại lợi ích cho người nông dân chúng tôi. Sở dĩ có hiện tượng dèm pha về màu sắc lông da để ép giá người dân trong chăn nuôi lợn hường nạc hiện nay chính là thiếu sự nhiểu biết về khoa học kỷ thuật của người dân, mặt khác cũng có phần trách nhiệm của khuyến nông và từng địa phương. Mong Nhà nuóc có những giải pháp kịp thời để tuyên truyền cho mọi người nắm bắt được kỹ thuật trong chương trình nạc hoá đàn lợn và quản lí chặt chẻ người mua lợn thịt bằng luật mua bán sản phẩm hoặc chế tài kinh tế để dân không còn bị ép giá về màu lông.”