00:00 Số lượt truy cập: 2666655

Mất mắt, cụt tay vẫn thành triệu phú 

Được đăng : 03/11/2016
Thời kỳ tham gia Thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới, một quả bom còn sót lại đã phát nổ, cướp mất của ông đôi mắt, bàn tay trái và 2 ngón của bàn tay phải.


Trở thành người tàn tật, nhưng nghị lực sống đã giúp ông đứng dậy để làm giàu. Ông là Trần Văn Đàm ở phường Phú Hiệp (thành phố Huế).

Từ người hát rong ...

“Trở thành tàn phế khi mới 24 tuổi, tui bi quan và mặc cảm ghê gớm. Sau những ngày nghĩ đến cái chết, tui đã quyết định làm việc kiếm sống bằng chính nửa bàn tay còn lại của mình” - Ông Đàm kể.

Ông rời quê nhà lên thành phố Huế kiếm sống bằng nghề hát rong. “Những ngày đó cực lắm, suốt ngày lang thang khắp phố phường, hát khản cổ mà vẫn không đủ ăn” - Ông ngậm ngùi.

Nhưng đó cũng là những ngày hạnh phúc đối với chàng trai bất hạnh này. Một người con gái xinh đẹp, hiền dịu đã yêu và lấy ông làm chồng. “Lúc đầu tui chỉ thương cảnh ngộ éo le của anh, rồi dần dần tui yêu luôn anh ấy, thế là nên vợ nên chồng” – Bà Nguyễn Thị Phước - vợ ông, kể. Sau ngày lấy vợ, ông Đàm thấy không thể bám mãi nghề hát rong.

Đến triệu phú cây cảnh

Ông Đàm quyết định kiếm sống bằng nghề cây cảnh. “Chơi cây cảnh đòi hỏi phải có con mắt nghệ thuật mới có thể sáng tạo ra những chậu cây đẹp mắt. Còn tui, một mắt không còn, một mắt không thấy chi, tay lại cụt ngủn, nên khi tui nói ra quyết định của mình nhiều người đã gọi tui “điên”, cả vợ tui cũng rứa” - Ông cười.

Nhưng quyết định của ông không hề “điên” tí nào, bởi lẽ từ ngày còn nhỏ ông đã từng mê cây cảnh, từng lẽo đẽo theo một số nghệ nhân trong làng để xem họ uốn cây cảnh, làm hòn non bộ.

Hơn nữa, theo ông, làm cây cảnh không chỉ tận dụng được năng khiếu của mình mà còn không cần nhiều vốn liếng. Đầu tiên, ông đi đào những gốc mưng để đưa về trồng.

Với người khỏe mạnh, việc đào gốc cây đã khó, với một người vừa khiếm thị vừa cụt như ông, lại càng gian nan. Rất nhiều lần ông bị ngã dúi mặt mày xuống đất, tay chân bê bết máu.

Nhưng ông không nhụt chí, tiếp tục đào cây, mày mò tạo ra những chậu cây cảnh, hòn non bộ. Để có thêm kiến thức và kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh, ông mò mẫm đi khắp nơi trong thành phố, kể cả những nơi xa xôi để học hỏi, nhờ những nghệ nhân cây cảnh giúp đỡ.

Ông còn đi khắp các hiệu sách trong thành phố, tìm mua những cuốn sách viết về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh, đưa về nhà nhờ vợ và con đọc cho nghe.

Bằng sự kiên trì học hỏi, những gốc mưng do ông đào về trồng, chăm sóc đã cho kết quả tốt. Từ đôi tay cụt ngủn nhưng khéo léo và óc tưởng tượng phong phú, ông đã tạo ra những thế cây ấn tượng, bắt mắt, khiến nhiều người đến xem phải ngỡ ngàng.

Sau thành công bước đầu, ông bàn với vợ làm đơn vay vốn của Hội Người mù để kinh doanh cây cảnh. Lúc đầu ông vay 5 triệu đồng để mua giống cây. Sau thời gian đầu chăm sóc và kinh doanh có hiệu quả, ông tiếp tục vay số vốn lớn hơn để mở rộng mô hình. Đến nay vườn cây cảnh của ông có giá trị lên đến hơn 500 triệu đồng.

Cây cảnh của ông Đàm đã nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh, được nhiều người tìm đến mua. Nhờ đó, ông đã xây được nhà, nuôi 4 người con học giỏi.