00:00 Số lượt truy cập: 2637313

Máy cuốn rơm, giải pháp sau cơ giới hóa thu hoạch lúa 

Được đăng : 03/11/2016

Máy cuốn rơm giúp nông dân tăng thu nhâp, tận dụng nguồn rơm làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, ủ làm phân bón, ngoài ra còn giảm thiểu đốt đồng gây ô nhiễm môi trường và gây bất lợi cho đất và cây trồng.


Vào khoảng chục năm gần đây, trong sản xuất lúa, khâu thu hoạch đã được cơ giới hóa với tỷ lệ ngày càng cao. Giai đoạn đầu, khi sử dụng máy cắt xếp dãy để thu hoạch lúa, rơm được thu gom vào từng bó và dùng làm thức ăn gia súc, trồng nấm, phủ ngoài đồng ruộng cho một số cây trồng sau khi gieo cấy. Từ khi sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa, rơm được thải trực tiếp ra đồng ruộng sau khi đã bị băm nhỏ mà hầu như không được thu gom. Nông dân thường đốt đồng để tạo ra một lượng tro bổ sung vào đồng ruộng. Cách làm này đã tiêu diệt một số vi khuẩn có lợi trong đất và gây ô nhiễm môi trường, góp phần tăng nhiệt độ trái đất, biến đổi khí hậu theo hướng bất lợi.

Máy cuốn rơm được đưa vào sử dụng là một trong những giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng đốt đồng, gây ô nhiễm môi trường, nông dân có thể tận dụng rơm rạ phục vụ cho nhiều việc có ích khác. Máy cuốn rơm được nhập từ nước ngoài hay sản xuất từ những cơ sở trong nước ngày càng được hoàn thiện và phù hợp với đồng ruộng và điều kiện canh tác lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) có trên 46.000 ha trồng lúa, với tổng sản lượng gần 287.000 tấn. Trung bình 1 tấn lúa có 1 tấn rơm rạ, như vậy khối lượng rơm rạ trên đồng sau mỗi kỳ thu hoạch là rất lớn, đến gần 300 nghìn tấn. Khoảng 3 năm nay, trên 80% diện tích lúa ở Châu Thành được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, rơm phun rải khắp ruộng nên khó thu gom, một số nông dân ở Sóc Trăng đã mua máy cuốn rơm về để thu lại rơm ngoài đồng phục vụ cho gia đình.

Máy cuốn rơm

Vào mùa thu hoạch, nếu ai đi xuống cánh đồng lúa đang thu hoạch tại các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, đều có thể bắt gặp những máy cuốn rơm gắn sau đầu máy kéo đang thu gom rơm ngoài đồng. Hiện nay, phổ biến là máy cuốn rơm nhập khẩu từ Nhật Bản và máy cuốn rơm của một số doanh nghiệp tư nhân hoặc quân đội sản xuất. Công suất hoạt động của máy khoảng 400-500 cuộn/ngày, một số công ty đầu tư máy cuốn rơm và xuống địa phương mua rơm trên đồng của nông dân trước kia chỉ 30-40 ngàn đồng/1 công (1.000 m2) nhưng hiện nay phải mua tới 100 ngàn đồng/1 công. Mỗi công tùy theo giống lúa, thời vụ mà có thể thu hoạch từ 25-35 cuộn rơm. Giá bán hiện nay tại ruộng cho người sử dụng vùng Vĩnh Long, Trà Vinh khoảng 15-18 ngàn/cuộn. Những cuộn rơm chưa bán ngay có thể chở về kho bảo quản ngay vì đã được phơi khô trên đồng ruộng trước khi cuốn. Dịch vụ này đang phát triển mạnh, giá máy cuốn rơm cũng ngày càng giảm so với mấy năm trước. Máy nhâp khẩu khoảng 150-160 triệu đồng/máy, máy sản xuất trong nước khoảng 80-110 triệu đồng/máy.

Bà con nông dân quan tâm có thể liên hệ với một trong những cơ sở sản xuất và cung cấp máy cuốn rơm sau đây:

-      Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Z755 (Bộ Quốc Phòng) - 2A, Phan Văn Trị, Phường 10, Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh; ĐT: 08.38945882; anh Hiếu: 0974202999.

-      Công ty Phước Lễ Trading Co., LTD - 200/13 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 21, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh; ĐT: Lê Minh Phước, giám đốc: 098156234

-      Công ty YAMAHA Thủy Tiên + 167 ấp Long Thuận A, xã Long Phước, Huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; ĐT: 073.948999  - 073.948444

-      Công ty TNHH MTV Cơ khí NN Phan Tấn - Mỹ Đông, Tháp Mười, Đồng Tháp; ĐT 0918.365669 – 0673.956768. (Máy hốt lúa, máy vun đống rơm, máy vận chuyển, máy cắt xếp dãy, máy thu hoạch bắp,…)

-      Anh Phúc ĐT số: 0918464867; máy cuốn rơm nhập khẩu từ Nhật Bản: GALAN – JCR 0850W.

-      Hoặc liên hệ với trung tâm khuyến nông các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp.

Vũ Tiết Sơn