00:00 Số lượt truy cập: 2662080

Mô hình nuôi cá - ếch cải tiến 

Được đăng : 03/11/2016
Sau khi đi tham quan tận mắt nhìn thấy hàng chục mô hình “ếch - cá” khắp đất nước, ông Nguyễn Phú Thơ 56 tuổi, ở Khuê Đông 1, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), hăm hở bắt tay xây dựng mô hình nuôi cá - ếch cải tiến.






Ông Thơ sáng tác ra một kiểu mô hình rất độc đáo: xây 23 bể nhỏ có đánh số thứ tự từ 1 - 23, mỗi cái có bề dài 2 mét, rộng 1 mét, cao 1,5 mét. Đáy của các bể nhỏ này cao hơn mặt nước của ao lớn khoảng 0,5 mét, có ống thoát nước thông ra ao chính và được bố trí hình chữ U ở xung quanh ao chính. Giữa các bể, ông trồng 1 cây cau, vừa đẹp, vừa mát cho ếch, cá… Cái ao lớn có diện tích gần 800 m2, sâu 2,5 mét, chủ động được nguồn nước vào và ra hàng ngày, nuôi các loại cá chép, mè, rô phi, cá trắm… Các bể nhỏ, có lúc ông ươm nuôi cá con cho “cứng cáp”, sau đó được xả xuống ao bằng một ống thoát. Thức ăn thừa của ếch được chảy ra ao lớn cho cá ăn.




Đầu tháng 5/2006, ông bắt đầu nuôi 2 lứa ếch, mỗi lứa hơn 4.000 con, kết thúc mùa nuôi ếch vào cuối tháng 8/2006.




Kinh nghiệm nuôi ếch mau lớn, ít hao hụt của ông áp dụng như sau: Khi mua ếch giống về, ông chia đều cho 5 bể, ươm nuôi khoảng 10 ngày trước khi đưa ra lồng, mỗi ngày ông cho ăn 3 lần, thay nước bể 3 lần. Thức ăn trong 10 ngày đầu, khi ếch còn trong bể xi măng, là loại thức ăn công nghiệp đóng bao (CP 9950). Sau 10 ngày, ông đưa ếch ra các lồng lưới ngoài ao và cho ăn loại CP 9951. Về sau ếch lớn dần, cho ăn loại CP 9952. Nhưng quan trọng nhất là phải “tiếp sức” khi mới bắt ếch về nuôi trong bể, để ếch con quen với môi trường lạ. Ông bật mí: Lấy khoảng 2 kg thức ăn loại nhỏ (CP 9950), đập một trứng vịt vào trộn đều, sau đó trộn thêm một ít dung dịch dầu gan mực (theo hướng dẫn liều lượng), mang phơi nắng 15 phút cho khô mặt, rồi cho ếch con ăn. Ngoài ra, hàng ngày, sau khi vệ sinh bể, ông lựa những con ếch lớn đưa vào các bể kế tiếp. Trước khi thả ếch, ông còn sát trùng bể bằng thuốc tím 5%. Nhờ vậy ếch của ông có độ đồng đều cao, hao hụt ít (dưới 5%). Theo ông, không nên nuôi ếch trên 3 lạng/ 1 con vì khó bán - ít lời và không nuôi ếch trong mùa đông. Mỗi lứa ếch trung bình từ 38 - 50 ngày.




Ông còn ươm nuôi 3.000 con trê lai trong 3 bể xi măng khoảng 1 tháng, sau đó “xổ lù” để đàn cá trê con theo nước xuống bể lớn. Song song với việc nuôi ếch - cá, mỗi lứa ếch, ông nuôi kèm 1 lứa vịt khoảng trên 200 con vịt ta, 20 vịt xiêm (có chích ngừa vaccin), để ăn các con ếch bị chết; nuôi 10 con heo, trồng rau muống để có chất xanh cho cá, heo...




Đến cuối tháng 8/2006, ông đã thu khoảng 2 tấn ếch được 70 triệu; đầu tháng 11/2006, ông thu hoạch hai tấn cá là 30 triệu. Trừ chi phí, khấu hao... xong thì cũng lãi 50 triệu đồng (trong vòng 6 tháng). Đó là chưa kể các khoản thu khác từ vịt, heo trên 10 triệu đồng. Mô hình này hiện đang trong giai đoạn thể nghiệm, nhưng xem ra có nhiều triển vọng, nhờ áp dụng triệt để quy trình sản xuất chăn nuôi khép kín.




Ngoài ra, cảnh quan nơi đây rất sạch - đẹp, hấp dẫn nhiều đoàn khách du lịch “miệt vườn” của Nhật và nhiều nông dân đến tham quan, tìm hiểu...