00:00 Số lượt truy cập: 2662149

Mô hình trồng nấm rơm ngoài trời theo hướng an toàn thân thiện với môi trường ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) 

Được đăng : 03/11/2016
Là địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa, nông dân tại xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã có sáng kiến làm quy trình sản xuất nấm rơm ngoài trời theo một quy trình khép kín. Thay vì đốt rơm rạ như trước kia một cách lãng phí, thì nay bà con nông dân tận dụng ngay nguồn rơm để làm nấm. Sau khi thu hoạch nấm xong, nguồn rơm lại được xử lý thành mùn hữu cơ để cung cấp cho các loại cây trồng khác. Đây được xem là quy trình sản xuất an toàn thân thiện với môi trường, ít chi phí sản xuất, giúp nông dân cải thiện kinh tế đáng kể.

Ảnh: Nguyễn Nam

Sau vụ thu hoạch hoa màu xong, anh Nguyễn Trọng Phú, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa lại chuyển sang trồng nấm rơm. Anh đã tận dụng ngay đất trồng vụ bí vừa rồi mà không cần phải đầu tư chi phí để làm nhà xưởng. Với nguồn rơm dồi dào từ địa phương, anh đóng mô rơm, cấy meo, tưới nước để ra củ. Sẵn có nguồn rơm, anh làm thêm một lớp rơm rạ khô trên bề mặt mô nấm. Lớp rơm rạ này được xếp theo một chiều, phủ theo kiểu lợp mái nhà dày 4 - 5cm có tác dụng tạo môi trường thoáng mát để kích thích meo cho củ. Hàng ngày, anh chỉ cần dành ra khoảng 15 phút để kiểm tra mô nấm. Ngừng 3 - 4 ngày sau đó, anh mới tưới nước trở lại như ban đầu để thu tiếp đợt 2.

Năng suất trung bình đạt từ 0,8 - 1 kg nấm/ mô rơm. Với giá bán ra 50.000 đồng/ kg, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi 25.000 đồng/ kg. Với cách làm này, anh Nguyễn Trọng Phú không phải mất quá nhiều thời gian và chi phí đầu tư cho quy trình làm nấm. Anh Nguyễn Trọng Phú chia sẻ quy trình trồng nấm rơm đầu tiên đi cào rơm về, nhúng rơm trong nước vôi, ủ rơm khoảng 5-6 ngày, đảo rơm qua 1 lần rồi mới cho vô hộc. Làm nấm rơm quay vòng vốn rất nhanh, 40 ngày là thu vốn lại được.

Những kỹ thuật trong khâu sản xuất nấm rơm như cách ủ mô, phương pháp cấy meo, chăm sóc để nấm rơm pháp triển đều tận dụng tối đa những yếu tố tự nhiên về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ. Tỷ lệ đậu củ đạt trên 80%. Ưu điểm của làm nấm rơm ngoài trời, bà con có thể trồng nấm ngay trên bãi đất trống hay đồng ruộng khô không làm vụ đông. Khi thu hoạch xong nấm, nguồn rơm được xử lý đơn giản bằng vôi. Sau đó được ủ hoại mục thành chất mùn hữu cơ để tiếp tục làm phân bón cho những loại cây trồng khác. Cách làm này an toàn cho người trồng, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng nguồn thu nhập. Từ khâu ban đầu trồng đến khi thu hoạch đều thân thiện với môi trường.

Xã Ninh Bình là địa phương có diện tích đất sản xuất nấm ngoài trời nhiều nhất thị xã Ninh Hòa bởi hiện nay đến hơn 50% diện tích lúa được sử dụng nguồn rơm để làm nấm. Không chỉ xã Ninh Bình mà nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa nếu biết tận dụng được nguồn rơm rạ thì trồng nấm ngoài trời được xem như là một cách làm hay để cấp nguồn thực phẩm ra thị trường, không những giúp người nông dân có thu nhập mà còn góp phần giảm việc ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch như trước kia./.

An Phú