00:00 Số lượt truy cập: 2638238

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất đồi gò ở Hà Tây đạt hiệu quả kinh tế cao 

Được đăng : 03/11/2016

Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi gò do anh Đỗ Xuân Nhung ở xã Kim Quan (Thạch Thất, tỉnh Hà Tây) khởi xướng từ năm 2001 hiện nay đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt giá trị thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/năm, gấp 5 đến 6 lần so với trồng các loại cây khác.


Kết quả này đã thực sự mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các xã vùng đồi gò, đất dốc nhiều đá sỏi địa bàn tỉnh Hà Tây. Hiện nay, giống cây này đã bước đầu được nông dân các xã Kim Quan, Bình Yên... của huyện Thạch Thất đưa vào trồng với trên 5 ha.

Anh Nhung cho biết: Thanh long ruột đỏ là một loại cây thuộc họ xương rồng có nguồn gốc từ Đài Loan. Cây này có ưu điểm là rất thích hợp với vùng đất đồi, đá sỏi. Chỉ sau hơn 1 năm cây có thể cho thu bói vụ quả đầu tiên và thời gian thu hoạch kéo dài đến 15 năm; thời vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm với 5 đến 6 lứa quả/năm. So với loại thanh long ruột trắng hoặc phớt hồng, thanh long rột đỏ có giá bán cao hơn gấp 2 đến 3 lần. Ngoài hình thức đẹp, thanh long ruột đỏ còn có giá trị dinh dưỡng cao hơn hẳn so với loại thanh long vỏ đỏ nhưng ruột trắng hoặc vỏ vàng ruột tráng đã khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.

Để khuyến khích nông dân ở các xã đồi gò trên địa bàn huyện mở rộng diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ, từ đầu năm 2007 đến nay, trạm khuyến nông huyện Thạch Thất đã phối hợp với tỉnh Đoàn Hà Tây mở nhiều lớp hướng dẫn cho hộ nông dân trẻ về qui trình trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, giới thiệu một số địa chỉ tiêu thụ thường xuyên với số lượng lớn loại quả giàu chất dinh dưỡng này. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cũng lưu ý nông dân trong quá trình trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ này phải che đậy cẩn thận để giữ gìn bộ rễ cây không bị tổn thương do úng nước, gió bão. Hàng năm, trước khi vào mùa đông, cần bón thêm ka li chống rét cho cây, đồng thời che đậy để giữ độ ẩm./.